Dưới đây là lý do nên đưa bơ vào chế độ ăn thân thiện cho người bệnh tiểu đường.
Kiểm soát đường huyết
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, bơ ít đường, một cốc 100 g cung cấp ít hơn một g đường. Bơ cũng chứa nhiều chất béo và chất xơ lành mạnh đều hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Nghiên cứu năm 2023 của Trường Đại học Y Baylor, Mỹ, và một số đơn vị, trên hơn 3.400 người, cho thấy tiêu thụ bơ làm giảm lượng đường trong máu và insulin lúc đói cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Nghiên cứu khác của Trường Đại học Texas, Mỹ, trên gần 16.000 người, chỉ ra ăn bơ giúp quản lý glucose và insulin tốt hơn cho người bệnh tiểu đường type 2.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong cao ở người bệnh tiểu đường. Bơ giàu chất béo không bão hòa và chất xơ có thể giảm rủi ro này. Theo phân tích tổng hợp năm 2017 của Trường Đại học Park, Mỹ, dựa trên 67 nghiên cứu, người ăn các thực phẩm có nhiều chất béo không bão hòa và chất xơ ít có khả năng cholesterol cao và mắc bệnh tim hơn.
Nghiên cứu năm 2022 của Viện Công nghệ Illinois, Mỹ, trên 93 người béo phì hoặc thừa cân và kháng insulin, cho thấy ăn bơ thay thế carbohydrate trong 12 tuần cải thiện lượng đường trong máu và cholesterol tốt hơn.
Cung cấp magie và kali
Magiê và kali là hai chất dinh dưỡng cần thiết để quản lý và phòng ngừa bệnh tiểu đường, có nhiều trong quả bơ. Theo đánh giá năm 2019 của Trường Đại học Y Pleven, Bulgaria, dựa trên 83 nghiên cứu, người mắc tiểu đường type 2 thường có lượng magie thấp và sự thiếu hụt này có liên quan đến tình trạng kháng insulin - yếu tố chính gây ra bệnh này. Magie có thể chuyển hóa glucose và điều hòa insulin dẫn đến giảm nguy cơ tiểu đường.
Magiê cũng giúp cơ thể duy trì nhịp tim và huyết áp bình thường nên thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Kali hoạt động song song với magie để đảm bảo cơ thể có phản ứng và sử dụng insulin, glucose hiệu quả.
Một số gợi ý ăn bơ cho người bệnh tiểu đường như dùng trong bữa nhẹ, thêm bơ vào sinh tố, trộn salad, bơ nghiền phết bánh mì ngũ cốc nguyên hạt nướng, làm món sốt thay thế mayonnaise.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có liên quan đến tiền sử gia đình, di truyền và ăn uống. Tiêu thụ nhiều loại thực phẩm như bơ, yến mạch, đậu, hạt, cá, trứng, sữa chua không đường, rau lên men, rau xanh, quả mọng, táo và cam quýt giúp giảm rủi ro mắc bệnh.
Lựa chọn carbohydrate giàu chất xơ, tập thể dục thường xuyên, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng để điều chỉnh đường huyết, giảm khả năng bị tiểu đường.