1. Vì sao thường xuyên ăn đường lại gây nghiện?
Đường là một phần của chế độ dinh dưỡng cân bằng khi chúng ta ăn một cách điều độ. Nhưng nếu ăn quá nhiều đường, ăn thường xuyên có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ béo phì và mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.
Ngoài ra tình trạng đau khớp, bệnh gout hay gan nhiễm mỡ là những biến chứng có thể xảy ra khi thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều đường.
Đặc biệt, nếu chúng ta càng ăn nhiều đường một cách thường xuyên, cơ thể sẽ càng thèm đường hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa các loại thực phẩm thông thường được tiêu thụ và sở thích của bạn đối với loại thực phẩm đó.
Khi ăn nhiều đường thường xuyên sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và gây nghiện đường. Nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ các loại thực phẩm chứa đường làm tăng mức hormone serotonin trong não. Đây là là một chất dẫn truyền thần kinh não giúp tăng cường cảm giác hạnh phúc của bạn.
2. Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang nghiện đường?
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, đường chính là chất gây nghiện. Não bộ xem đường là "phần thưởng ngọt ngào" và không chối từ. Vì thế, nếu bạn thường xuyên ăn nhiều đường sẽ càng kích thích cơn thèm ngọt, lâu dần có thể trở thành một thói quen khó bỏ.
Một người được coi là nghiện đường khi họ thường xuyên ở trong tình trạng cực kỳ thèm ngọt và không thể kiểm soát bản thân mà tiêu thụ liên tục.
Các triệu chứng tiêu biểu khi nghiện đường bao gồm:
- Thèm ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế như khoai tây chiên, bánh, kẹo…
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
- Thèm ăn đồ ngọt sau bữa chính
- Buồn rầu hoặc đau đầu khi cố cai nghiện đường…
Khi bạn đã quen với việc ăn đường thường xuyên và đột ngột dừng lại, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và thèm ăn, một số người có thể thay đổi tâm trạng và giấc ngủ.
Các biểu hiện này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần phụ thuộc vào việc bạn giảm lượng tiêu thụ nhanh như thế nào và cơ thể bạn thích nghi với việc ăn ít đường ra sao.
Cắt giảm đường quá nhanh có thể dẫn đến bồn chồn, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu… Có người có cảm giác thèm ăn mãnh liệt đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu carbohydrate.