Có nhiều nguyên nhân, trong đó, “thủ phạm” góp phần tăng tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh là sức đề kháng của trẻ bị suy giảm.
Các dấu hiệu cảnh báo sức đề kháng giảm: thường xuyên ho, chảy mũi, sốt; ngứa ngoài da, viêm da dị ứng; gầy hoặc thừa cân - béo phì; tăng tiết mồ hôi; rối loạn tiêu hóa, tiểu vàng đậm, lắt nhắt; chắp (tắc ống tuyến nhờn sụn mi), hoặc lẹo (viêm tuyến nang lông mi) ở mi mắt, tái phát thường xuyên.
Những việc cần thực hiện để tăng sức đề kháng:
Ăn uống:
- Ăn đủ rau xanh màu đậm, củ, trái cây, các loại nấm… vì có chứa các vi chất dinh dưỡng có lợi cho hệ miễn dịch như: kẽm, selen, sắt, đồng, a-xít folic, vitamin B, C, B6, E.
Ăn đúng bữa và cần hạn chế: thịt đỏ (bò, heo), thức ăn chế biến sẵn (mì gói, phô mai, đồ hộp), thức ăn nhiều gia vị (thịt nướng, gà rán, bánh tráng trộn…). Không ăn quá mặn, nhiều đường và bột nêm. Hạn chế sữa bò có đường, ăn đủ thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin…
- Uống nước từ 1-2 lít/ngày. Không uống nước ngọt có gas, trà sữa trân châu, kem lạnh.
Vài món ăn tăng đề kháng:
- Cháo cá nấu với cà-rốt (50g), nấm bào ngư (30g), hạt sen (20g), nấm đông cô (30g): chứa nhiều vitamin A, B, C, a-xít amin thiết yếu, nguyên tố vi lượng, chất xơ… tốt cho hệ tiêu hóa, phòng, chống bệnh khi thời tiết thay đổi.
- Canh thịt gà (hoặc cá đồng) 100g nấu củ cải trắng (3 củ): củ cải trắng có nhiều can-xi, sắt, phốt-pho, kali, a-xít folic, choline, vitamin và chất xơ, nấu với thịt hoặc cá có tác dụng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, tốt cho trẻ bị viêm họng, viêm phế quản, nhiều đàm…
- Canh bầu nấu nghêu: nghêu có nhiều chất phốt-pho, kẽm, sắt, đạm… kết hợp với bầu chứa nhiều vitamin nhóm B, C, sắt, chất xơ… giúp cải thiện tiêu hóa, bổ sung đạm và các nguyên tố vi lượng.
- Món hầm chim bồ câu, gà ác với thang thuốc Đông y: chưng cách thủy khoảng một tiếng rưỡi hoặc dùng nồi áp suất đun 30 phút.
- Sữa chua: chứa men vi sinh có lợi trong ruột, đặc biệt với trẻ phải sử dụng kháng sinh nhiều.
Giữ sức khỏe đường tiêu hóa tốt: sức khỏe đường tiêu hóa kém thường kèm theo giảm sức đề kháng vì 70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột.
Giúp trẻ thực hiện lối sống hợp lý: ngủ đủ giờ, không thức khuya; tham gia sinh hoạt ngoài trời, giảm áp lực học tập; chọn các loại hình thể dục phù hợp.