Theo Country Linving, Lễ hội Halloween được bắt nguồn từ người Celtic, một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm (là các vùng đất thuộc nước Anh, Ireland và miền Bắc nước Pháp bây giờ).
Lễ Halloween diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm và được phát triển dựa trên lễ Gealic của Samhain.

Ngày này đánh dấu thời điểm quan trọng của năm vì người Celtic đón năm mới vào 1/11 (theo dương lịch). Họ tin rằng, đêm 31/10 chính là thời điểm âm dương giao hòa, là thời khắc để những linh hồn người chết có thể trở về trần gian.

Halloween được cho là ngày hai cõi Âm - Dương hòa hợp với nhau. Ảnh minh họa: Internet

Vì người sống không muốn bị các linh hồn cướp mất cơ thể nên vào tối 31/10, tất cả các ngôi nhà đều dập tắt ánh sáng mà mặc những trang phục ma quái, diễu hành khắp làng để xua đuổi linh hồn đi nơi khác.

Một số nơi khác lại cho rằng, các linh hồn sẽ trở về và đi khất thực cô hồn (went – a – souling). Do vậy, những người trong làng sẽ chuẩn bị sẵn “bánh vong hồn” (soul cakes), để cầu nguyện cho những vong hồn không chỗ trở về và đổi lấy sự bình yên cho gia đình. Tương tự như rằm tháng 7 (Âm lịch) của phương Đông.

Ý nghĩa các tập tục trong ngày Halloween

Quả táo Pomona

Trò đớp táo là một trong những hoạt động truyền thống trong lễ Halloween. Ảnh minh họa: Internet

Ngày lễ Halloween sau đó đã lan rộng sang rất nhiều nước khác nhau, và mỗi nước đều biến tấu theo cách riêng của mình.

Ví dụ như quả táo Pomona, một biểu tượng không thể thiếu trong ngày Halloween. Ban đầu, người Roman (Ý) đã coi ngày cuối tháng 10 để tưởng nhớ nữ thần trái cây, Pomona và biểu tượng chính là trái táo.

Sau này khi ảnh hưởng của lễ hội Halloween lan rộng, họ đã kết hợp với truyền thống của mình để tạo thành trò đớp táo trong lễ hội ma quỷ hiện nay.

"Trick Or Treat"

Những đứa trẻ sẽ hóa trang và đi gõ cửa từng nhà để chơi trò "Trick or treat". Ảnh minh họa: Internet

“Trick or Treat” là một trong những hoạt động chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên ở Mỹ trong đêm Halloween. Trong tiếng Anh, trick có nghĩa là trò lừa bịp, nghịch ngợm, tinh ma. Treat mang ý nghĩa tiếp đón, đối đãi tử tế.

Trẻ em sẽ hóa trang với các bộ trang phục ma quỷ, mặt nạ ghê rợn rồi cầm những lồng đèn hình bí ngô đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm. Khi gõ cửa, họ sẽ hỏi: “Trick or treat?”.

Câu nói này mang hàm ý, nếu không muốn bị chơi khăm thì hãy tiếp đón chúng tôi thịnh soạn. Thông thường, ai cũng muốn tránh các trò lừa từ bọn trẻ nên sẽ cho chúng kẹo, trái cây và có nhét đồng tiền ở bên trong.

Lồng đèn bí ngô (Jack – ó – lanterns)

Mọi người sẽ cùng nhau khắc bí ngô thành các hình thù quái dị để xua đuổi ma quỷ. Ảnh minh họa: Internet

Vào ngày Halloween, mọi người cũng thường trang trí ngôi nhà của mình bằng các lồng đèn hình bí ngô. Theo truyền thuyết của người Ireland, thì thuật ngữ “Jack – ó – lanterns” bắt nguồn từ câu chuyện về một anh chàng thanh niên tên Jack.

Jack là một vong hồn lang thang vì linh hồn không thể đến Thiên Đàng vì khi còn sống, Jack vốn là người tham lam, keo kiệt và không có lòng giúp đỡ những người người khổ xung quanh.

Bị Thiên Đàng từ chối nhưng Jack cũng không vào Địa Ngục vì trước khi chết, anh ta đã đánh lừa Satan (quỷ dữ) để giữ lấy linh hồn của mình. Do vậy, người ta thường chạm mặt để dọa Jack đi.

Tuy Jack chỉ là một nhân vật tưởng tượng nhưng thông qua đó cũng là những bài học mang tính giáo dục cao. Đây là kinh nghiệm để những người trẻ rút ra một bài học làm người.