Nghỉ hè là thời gian rảnh rỗi, trẻ được vui chơi thoải mái nhưng lại nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Hầu hết trẻ thường ở nhà chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc bản thân. Với bản tính hiếu động, trẻ thường rất nghịch ngợm và không tránh khỏi những tai nạn do chính trẻ gây ra. Lúc này cha mẹ hãy bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn sau.

Ngộ độc

Đây là một trong những trường hợp cấp cứu thường gặp nhất ở trẻ nhỏ vì trẻ rất dễ uống phải thuốc, hóa chất hay bất cứ chất độc nào trẻ lấy được.

Khi trẻ có các triệu chứng như nôn, đau bụng, co giật, bất tỉnh hay lơ mơ, có vết phỏng quanh miệng thì cần nghĩ ngay trẻ đã bị ngộ độc và tìm cách sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện.

Trẻ thường rất tò mò về thuốc, hóa chất - Ảnh minh họa: Internet

Đầu tiên, cần cho trẻ nôn ra được chất độc càng nhiều càng tốt bằng cách kích thích vùng nôn ói ở yết hầu. Tuy nhiên, nếu uống nhầm loại chất gây ăn mòn như acid thì không nên gây nôn vì như vậy dễ làm chảy máu.

Khi đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nên đem theo vỏ chai thuốc hoặc những chất gây độc để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu trẻ còn tỉnh hãy cho trẻ uống một cốc sữa hoặc nước, không cho uống nước muối hay chanh giấm.

Nếu trẻ đã bất tỉnh thì bạn cần kiểm tra xem trẻ còn thở không. Nếu trẻ ngừng thở, cần làm hô hấp nhân tạo nhưng nên đặt một miếng vải mỏng lên trên miệng bé và hà hơi qua tấm vải để tránh cho bản thân không bị nhiễm độc từ miệng bé.

Nếu trẻ bị chất độc bắn vào mắt, có thể dùng một bình nước để cao 10cm dội từ từ lên mắt liên tục trong 10 phút.

Nếu trẻ bị phỏng quanh miệng do uống phải hóa chất, cần lấy nước rửa sạch da và môi cho bé. Sau khi sơ cứu cần chuyển ngay trẻ tới bệnh viện.

Cảm nắng, cảm nóng

Trẻ em rất nhạy cảm với  nhiệt độ. Trong môi trường quá nóng, cơ thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách toát mồ hôi để chống lại cái nóng. Khi đó, trẻ sẽ có biểu hiện toát nhiều mồ hôi, vật vã, đòi uống vì khát.

Nếu sau đó trẻ không được uống nước để bù đắp lại lượng nước đã mất, cơ thể không toát mồ hôi nữa và thân nhiệt bắt đầu tăng lên, có thể lên trên 40 độ C. Khi đó, hãy nhanh chóng làm cho trẻ mát bằng cách tắm nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt trẻ, chườm mát.

Cho uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao như paracetamol với nhiều nước mát. Nếu thân nhiệt trẻ vẫn không giảm, cần đưa đi cấp cứu ngay.

Để phòng cảm nóng cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, không cho các cháu mặc nhiều quần áo quá, không cho trẻ ở quá lâu dưới ánh mặt trời.

Vết cắt, vết trầy xước

Đối với vết cắt và vết trầy xước, cha mẹ hãy rửa vết thương đó dưới vòi nước cho đến khi sạch. Cha mẹ cũng có thể sử dụng xà phòng nhẹ. Sau đó có thể dùng băng để băng lại.

Nếu đó là vết thương lớn, sâu hoặc vết thương trở nên sưng đỏ, thậm chí thấy mủ thì nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị ngay.

Vết bầm tím

Khi trẻ va đập vào vật gì đó, có thể khiến vùng cơ đó trở nên bầm tím. Cha mẹ hãy làm dịu chỗ sưng bằng túi nước đá được bọc trong một miếng vải ướt.

Trẻ rất dễ bị bầm tím -  Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ đi lại, di chuyển, vận động khó khăn hay chỗ bầm tím không giảm sưng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện

Dẫm phải dằm

Trẻ em, đặc biệt là những em bé, thường chạm và lấy tất cả mọi thứ. Điều đó làm cho các mảnh gỗ, gai và các mảnh vụn khác dễ dàng đâm vào da (dân gian thường gọi là dẫm phải dằm).

Trong những trường hợp này, cha mẹ hãy dùng kim (được khử trùng bằng cồn) chà xát nhẹ nhàng vào vùng đó, sau đó nhổ mảnh dằm đó ra bằng nhíp sạch. Khi đã gắp được dằm, cha mẹ có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh bôi vào đó để tránh nhiễm trùng.