Xử lý thế nào đối với nhóm 7 học sinh đánh bạn ở Hà Tĩnh?
Chiều 9/8, thông tin từ Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết, sau khi vào cuộc xác minh, đơn vị đã tiến hành triệu tập 7 thiếu niên đến làm việc do tham gia đánh hội đồng một nam sinh lớp 9.
Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin về việc em Nguyễn Bình A. (SN 2008, trú tại phường Thạch Quý, hiện là học sinh lớp 9G, Trường THCS Nguyễn Du) bị một nhóm thiếu niên đánh hội đồng tại khu vực đường La Sơn Phu Tử (Phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh), Công an thành phố đã vào cuộc tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc.
Quá trình điều tra xác định, trước đó giữa Nguyễn Bình A. (SN 2008, trú tại phường Thạch Quý) và Nguyễn T.H.L (SN 2007, trú tại phường Bắc Hà) có mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Vì thế vào khoảng 16h30 ngày 5/8/2022, khi biết Nguyễn Bình A. có mặt tại khu vực cổng trường mầm non Doremon nằm trên đường La Sơn Phu Tử (thuộc TDP4, phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh), T.H.L đã rủ thêm 6 học sinh khác đến đánh Bình A. để dằn mặt.
Danh tính nhóm học sinh tham gia đánh Nguyễn Bình A. gồm có: T.H.N, H.V.T, H.G.H, P.Đ.T.Đ cùng sinh năm 2007 và cùng trú tại phường Bắc Hà; T.T.Đ (SN 2008, trú tại phường Thạch Quý); N.T.Đ (SN 2007, trú tại phường Thạch Linh). Cả 7 học sinh nói trên vừa tốt nghiệp trường THCS Nguyễn Du, THCS Thạch Linh và THCS Lê Bình.
Công an thành phố Hà Tĩnh đã mời bị hại và triệu tập 7 học sinh có liên quan đến trụ sở Công an phường làm việc. Hiện tại sức khoẻ, tâm lý em Nguyễn Bình A. cơ bản bình thường, chỉ bị thương phần mềm.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luật sư Phạm Thu Hà – Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Bạo lực học đường không phải là một vấn đề mới trong xã hội, tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần của người bị bạo lực học đường.
Xét về hình thức, bạo lực học đường không chỉ là những tác động vật lý và gây ra đau đớn cho đối phương. Với xã hội phát triển và hiện đại thì bạo lực học đường còn được thể hiện dưới hình thức tác động vào “tâm lý”, tấn công bằng lời nói, ví dụ như chửi bới, sỉ nhục, lăng mạ, đưa thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe tâm thần của người khác".
"Nói đến lứa tuổi học sinh, đặc biệt là tâm sinh lý của người chưa thành niên, ở độ tuổi 14 – 16 tuổi chính là lúc các em có mong muốn thể hiện bản thân mình mãnh liệt, cùng với nhận thức chưa toàn diện, nhất là nhận thức về pháp luật, nó đã vô tình khiến cho các em có nguy cơ vướng vào vòng lao lý.
Những vấn đề, mâu thuẫn trong đời sống lần đầu xảy đến khiến các em không có đủ nhận thức cũng như kinh nghiệm sống để giải quyết nó một cách khéo léo và thông minh nhất. Vụ việc trên xảy ra do mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa hai nam sinh. Theo đó, nhóm nam sinh gồm 07 học sinh vừa tốt nghiệp trường THCS (độ tuổi của các em chỉ từ 15 tuổi) đã hành hung nạn nhân – một nam sinh học lớp 9”, luật sư Thu Hà nêu quan điểm.
Theo luật sư Thu Hà, tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với một số tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều này, trong đó có Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134).
Hiện tại sức khoẻ và tâm lý của nạn nhân bình thường, chỉ bị thương nhẹ phần mềm nên chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với những thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần mà nhóm nam sinh đã gây ra cho nạn nhân thì nhóm nam sinh này cần phải có trách nhiệm và thực hiện việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
Trước đó, sáng 9/8, trên mạng xã hội xuất hiện video clip ghi lại cảnh một nam sinh A. bị một nhóm hàng chục người chặn đường để đánh, trong đó có 7 người trực tiếp tấn công cùng một lúc khiến em này bị ngã xuống đường.
Lúc nam sinh bị đánh có rất nhiều người chứng kiến nhưng không có một ai vào can ngăn. Đánh xong nam sinh, nhóm thiếu niên liền điều khiến xe mô tô, xe điện rời khỏi hiện trường.
Theo ông N.G.N. (42 tuổi, bố của nam sinh A.) sau khi sự việc xảy ra, do quá sợ hãi nên em không dám kể với gia đình. Thấy con kêu đau đầu và đau khắp người, gia đình A. kiểm tra thì phát hiện em bị xây xát da trên cơ thể nhưng hỏi nguyên nhân cụ thể thì A. không nói.
Đến ngày 8/8, một người bạn của gia đình gửi clip sự việc con trai bị đánh thì A. mới kể với bố mẹ nguyên nhân bị đánh là do xích mích với một người trong nhóm học sinh chuẩn bị lên lớp 10.
Trước những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng gần đây, nhiều người cho rằng các nhà trường cần phối hợp hơn nữa với gia đình trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, đặc biệt là thực hiện có chiều sâu bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục để kiềm chế tiến tới triệt tiêu cách hành xử bạo lực giữa học sinh với nhau.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...