Hậu quả khôn lường vì coi thường đau vùng kín

Từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi bị chứng bệnh xoắn tinh hoàn, bác sĩ Liên không khỏi tiếc nuối khi nói về trường hợp của một bé trai phải chịu hậu quả rất nặng nề khi mắc bệnh này.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Ảnh: Thu Hà

“Bé trai lên cơn đau tinh hoàn vào ban đêm, trong khi bố mẹ lại đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có ông bà già yếu không thể đưa cháu đi khám. Bố mẹ cháu bé mất một ngày để thu xếp công việc, tới ngày thứ ba mới đưa con đi khám.

Tới khi đến bệnh viện Đại học Y thì tinh hoàn cháu bé đã có dấu hiệu hoại tử do bị xoắn quá lâu, thiếu máu nuôi dưỡng. Chúng tôi bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn của cháu bé vì không còn khả năng cứu vãn.

Rất may mắn cháu bé chỉ bị cắt bỏ một bên tinh hoàn, “khả năng đàn ông” sau này không bị ảnh hưởng quá lớn nhưng trường hợp của bệnh nhi này là lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh cũng như nam giới hãy đi khám càng sớm càng tốt khi cơ quan sinh dục có dấu hiệu đau bất thường”, Bác sĩ Liên cho hay.

Bệnh nhi bị cắt bỏ tinh hoàn vì điều trị xoắn tinh hoàn chậm trễ. Ảnh: BSCC.

Bệnh “làm mất khả năng đàn ông” dễ gặp ở trẻ hiếu động

Theo bác sĩ Liên, bệnh xoắn tinh hoàn dễ gặp ở những trẻ quá hiếu động, chạy nhảy nhiều, người có nền bệnh cố định tinh hoàn kém, thoát vị bẹn. Bởi bình thường tinh hoàn được nằm cố định trong da bìu.

Tuy nhiên, khi trẻ chạy nhảy quá nhiều, da bìu co bóp mạnh, tinh hoàn bị di động như đồng hồ quả lắc và xoắn lại, gây đau đớn cho bệnh nhân. Trên hình ảnh siêu âm có thể thấy trực tiếp các vòng xoắn.

“Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu trong tiết niệu cả ở trẻ em và người lớn, cần được phẫu thuật tháo xoắn để hồi việc cung cấp máu cho tinh hoàn.

Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời trong vòng 6 giờ đồng hồ, mạch máu nuôi dưỡng bị nghẽn lại khiến tinh hoàn bị tổn thương, gây teo tinh hoàn hoặc phải cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, chức năng sinh sản của bệnh nhân sau này”, Bác sĩ Đình Liên cảnh báo.

Để tránh hậu quả ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, tự ti vì phải cắt bỏ tinh hoàn, bác sĩ Liên khuyến cáo người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt, tốt nhất là 1 – 2 “giờ vàng” đầu tiên sau khi xuất hiện cơn đau tinh hoàn. Nếu được tháo xoắn sớm, tỉ lệ cứu sống tinh hoàn là 100% và chức năng sinh sản sẽ được bảo tồn.