Một chuồng bò trong đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội cho người Ơ Đu ở Nghệ An - Ảnh: DUY NGỢI

Chiều 23-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết cơ quan điều tra vẫn đang mở rộng điều tra xung quanh thông tin báo chí phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu" của Ban dân tộc tỉnh Nghệ An.

Theo Tuổi Trẻ Online tìm hiểu, đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỉ đồng (trong đó ngân sách trung ương là 108 tỉ đồng và 12 tỉ là ngân sách đối ứng của địa phương).

Đề án được chia làm hai giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỉ đồng, giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỉ đồng.

Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững; tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Tháng 7-2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc phân khai nguồn kinh phí thực hiện đề án này. Trong đó, có hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,6 tỉ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.

Theo đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3, tổng giá xây dựng hơn 7,24 tỉ đồng. Có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỉ đồng, tức là một chuồng bò được đầu tư kinh phí xây dựng khoảng 236 triệu đồng.

Theo thiết kế xây dựng, mỗi chuồng nuôi có kích thước 4,5x6,69m, chiều cao tường 2,7m. Trước và sau chuồng bò đều có hệ thống bạt che lạnh vào mùa đông, nền nhà bêtông, phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn, mái lợp tôn.

Người dân Ơ Đu cạnh chuồng bò trị giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh: DUY NGỢI

Sau khi thực hiện đề án này, hiện 67 chuồng bò này đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng hơn một tháng nay trên địa bàn bản Văng Môn. Tổng cộng có 280 con bò được cấp về cho 77 hộ gia đình được thụ hưởng từ dự án.

Nhiều ý kiến dư luận trái chiều cho rằng việc xây dựng chuồng bò như "biệt thự", thậm chí còn đẹp hơn, kiên cố hơn nhà dân.

Theo lãnh đạo xã Văn Môn, đề án này thực hiện phía địa phương xã chỉ là đơn vị hưởng lợi từ dự án. Còn mọi việc từ xây dựng cho đến thực hiện đề án xã đều không được tham gia.

Trước đó vào tối 21-7, Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (cán bộ phòng chính sách Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội tham ô tài sản trong quá trình thực hiện đề án trên.

Theo số liệu của Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, đến cuối năm 2015, tộc người Ơ Đu ở tỉnh này có 179 hộ gia đình với 856 nhân khẩu. Đây là cộng đồng người thiểu số có đời sống kinh tế, xã hội khó khăn, văn hóa truyền thống bị mai một và đang bị đồng hóa nhanh, ngôn ngữ gần như đã bị mất.

Tuy nhiên, khi Ban dân tộc tỉnh Nghệ An triển khai dự án thì phát hiện ở bản Đửa của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương không có người Ơ Đu nên đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rút ra khỏi danh sách 45 hộ với 231 nhân khẩu được hỗ trợ phát triển "nhầm".

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 9-7, ông Lương Thanh Hải - trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An - xin nhận trách nhiệm của Ban dân tộc Nghệ An có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án, ngoài ra không có động cơ lợi ích cá nhân khi tham mưu xây dựng đề án để trục lợi.

 
Tin liên quan