Nỗi “đỏ mặt” không của riêng ai

Tâm lý ngại ngùng này thường gặp ở các bạn trẻ chưa lập gia đình, hoặc chị em có vòng một không đẹp, đặc biệt là những người có ngực chảy, bác sĩ phải nhiều lần dùng tay để cố định, thăm khám ngực.

Hiện tỷ lệ mắc ung thư vú tại Việt Nam đang gia tăng và có xu hướng trẻ hóa xuống lứa tuổi 30. Mỗi năm có khoảng 12.000 ca ung thư vú mắc mới, trong đó có 4.000 người tử vong.

Phần lớn người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị là vô cùng gian nan, tỷ lệ sống không cao.

Trong khi nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị khỏi bệnh có thể đạt tới 80 - 90%. Vì thế, tâm lý ngại ngùng đi khám ngực có thể khiến chị em tuột mất cơ hội phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.

Những phương pháp phát hiện ung thư vú từ sớm chị em nên biết

Siêu âm vú

Đây là phương pháp dùng sóng âm để khảo sát mô vú.

Cơ chế phát hiện tổn thương dựa trên hiện tượng phản hồi âm khác nhau giữa mô tuyến vú lành và vùng mô tổn thương.

Cho đến nay, siêu âm vẫn là kỹ thuật khám tuyến vú đơn giản, chi phí không cao, nhanh chóng, không gây hại vì không dùng tia phóng xạ, không xâm lấn và không đau.

Siêu âm có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi.

Chụp nhũ ảnh tuyến vú

Chụp nhũ ảnh tuyến vú (Mammography) là phương pháp được khuyến cáo dùng để tầm soát ung thư vú tốt nhất.

Nhưng ở phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có đặc trưng là tỷ lệ phụ nữ có mô vú đặc cao nên chụp nhũ ảnh tuyến vú tầm soát phát hiện ung thư sớm thường khó phát hiện các tổn thương nhỏ, không giống như những phụ nữ có mô vú mỡ (đặc trưng của phụ nữ châu Âu).

Với phụ nữ có mô vú tuyến đặc, mức độ chính xác của phưng pháp này giảm mạnh, chỉ còn khoảng 42%.

Ai cần tầm soát ung thư vú hàng năm?

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát hàng năm. Bởi từ sau 40 tuổi, nguy cơ thư vú sẽ tăng dần.

Ngoài ra là những phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ bao gồm những người có người thân trong gia đình có người bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng nên thực hiện siêu âm vú định kỳ từ năm 20 tuổi theo chỉ định của bác sĩ.

Tự khám ngực ở nhà và tầm soát định kỳ sẽ giúp chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ảnh minh họa.

Phụ nữ có kinh sớm (trước 12 tuổi), có con muộn (sau 30 tuổi), không sinh con, mãn kinh muộn (sau 55 năm). Người có tiền sử xạ trị thành ngực ở tuổi 10-30.

Người có tiền sử bản thân có các tổn thương ở vú được sinh thiết chẩn đoán là các tổn thương có nguy cơ.

Chị em nên có ý thức tự khám sức khỏe tuyến vú ngay tại nhà. Tự khám vú vào thời điểm sau khi sạch kinh 2 – 3 ngày. Vì đây là thời điểm ngực mềm nhất, dễ phát hiện bất thường nhất. 

Không mặc áo ngực quá chật, quá cứng, quá dầy để tránh nguy cơ bị viêm nhiễm. Nên mặc áo ngực chất liệu cotton, mềm, thoáng.

Khi đi ngủ nên cởi bỏ áo ngực. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường vận động, không dùng các chất kích thích, cồn, thuốc lá sẽ giúp chị em đẩy lùi các mối nguy bệnh tật.

Có 6 dấu hiệu này, chị em cần đi khám vú ngay:

- Ngực căng, cứng, to bất thường, đau tức không liên quan với chu kỳ kinh nguyệt.

- Núm vú tụt vào trong và không thể dùng tay để kéo ra ngoài.

- Chảy dịch ở núm vú.

- Da ngực bị co kéo hoặc bị sần như vỏ cam.

- Sờ thấy khối ở ngực.

- Sờ thấy hạch ở vùng nách.