Các giáo viên làm việc bên ngoài tòa nhà trường học của họ vì các lý do an toàn khi chuẩn bị bắt đầu năm học ở quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ ngày 14-9 - Ảnh: REUTERS
Toàn cầu: 29,4 triệu ca nhiễm và 21,2 triệu ca hồi phục

Theo cập nhật của trang Worldometers sáng 15-9, trên toàn cầu hiện có tổng cộng 29,4 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó có khoảng 932.000 ca tử vong và 21,2 triệu ca đã hồi phục.

Ba nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm là Mỹ, Ấn Độ và Brazil với lần lượt 6,7 triệu, 4,9 triệu và 4,3 triệu ca nhiễm. Ba nước này cũng có số ca hồi phục cao nhất, với Mỹ có 4 triệu, Ấn Độ có 3,8 triệu và Brazil có 3,6 triệu ca.

Việt Nam đang nằm ngoài nhóm 150 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu.

Bản tin 6h ngày 15-9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không ghi nhận ca mắc mới. Đến hôm nay cũng đã 13 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Việt Nam hiện đã chữa khỏi 926 bệnh nhân. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 32.578 người. Trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 459

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.890

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 16.229

Lời cảnh báo về đại dịch tiếp theo

Trong một báo cáo mới ngày 14-9, Ủy ban Giám sát sự sẵn sàng toàn cầu (GPMB) - một cơ quan độc lập do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) lập ra - cho biết đại dịch COVID-19 đã tiết lộ được thế giới chú tâm ít ỏi ra sao về chuyện chuẩn bị sẵn sàng cho các thảm họa như vậy.

"Đại dịch COVID-19 đang cho một bài kiểm tra khắc nghiệt về sự chuẩn bị sẵn sàng của thế giới" - Hãng tin AFP dẫn một đánh giá trong báo cáo.

Báo cáo cảnh báo: "Việc không rút ra được bài học từ COVID-19 hay không hành động bằng các cam kết và nguồn lực cần thiết sẽ đồng nghĩa đại dịch tiếp theo - mà chắc chắn sẽ diễn ra - gây thiệt hại thậm chí nhiều hơn".

Nga tuyển xong tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 14-9 cho biết Nga đã tuyển đủ số lượng người tham gia cuộc thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 quy mô lớn của nước này. Đây là cuộc thử nghiệm giai đoạn 3.

"Chỉ trong 2 tuần, 55.000 tình nguyện viên đã được tuyển chọn ở Matxcơva" - ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, thông tin.

Theo Hãng tin Reuters, Nga đã bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 của họ vào ngày 26-8, sau khi đăng ký vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V. Các kết quả sơ bộ dự kiến được đưa ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.

Thành phố Trung Quốc giáp Myanmar xét nghiệm tất cả người dân

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết thành phố Thụy Lệ của Trung Quốc sẽ xét nghiệm tất cả người dân tại đây để giảm nguy cơ bùng phát dịch sau khi nhà chức trách ghi nhận 2 bệnh COVID-19 mới "nhập khẩu" từ Myanmar.

Thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, giáp biên giới với Myanmar. Thành phố này đã yêu cầu người dân cách ly tại nhà.

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo sáng 15-9 dẫn thông tin từ truyền thông địa phương cho biết chính quyền Thụy Lệ đã kêu gọi nhiều khu vực gần biên giới của thành phố này, gồm 8 châu tự trị và 25 huyện biên giới, bước vào "trạng thái thời chiến" ngay lập tức, tăng cường kiểm soát biên giới và mạnh tay với các vụ vượt biên trái phép.

Hai trường hợp bị nhiễm bệnh trên đều là công dân Myanmar, được xác định mắc COVID-19 hôm 13-9. Một trong số này là một phụ nữ 32 tuổi, ban đầu không có triệu chứng và được xác nhận nhiễm bệnh sau đó vào hôm 13-9. Ca còn lại là một bé gái 16 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện nhân dân Thụy Lệ.

Tổng thống Philippines: Ưu tiên vắc xin Nga, Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 14-9 cho biết ông sẽ ưu tiên mua vắc xin ngừa COVID-19 của Nga hoặc Trung Quốc so với các nhà sản xuất phương Tây, vốn yêu cầu đặt cọc trước hay được biết tới là "phí giữ chỗ", theo Hãng tin Reuters.

"Chúng tôi sẽ dành sự ưu tiên cho Nga và Trung Quốc miễn là vắc xin của họ tốt như bất kỳ vắc xin nào khác trên thị trường" - ông Duterte nói và cho biết cả hai nước này đều không yêu cầu chi trả trước. 

Ông cũng khẳng định việc Philippines mua bất kỳ vắc xin nào đều phải trải qua đấu thầu.

Ông nói: "Một điều tốt đẹp về Trung Quốc là bạn không phải nài xin. Một điều sai lầm liên quan các nước phương Tây chính là lợi nhuận, lợi nhuận và lợi nhuận".

Nhà lãnh đạo Philippines bày tỏ tự tin rằng Philippines - hiện có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á với gần 266.000 ca - sẽ "quay trở lại bình thường" vào tháng 12 năm nay.