Hôm qua, gần 8 giờ tối tôi đi làm tăng ca về, bước vào nhà nhìn cảnh tượng bên trong mà phải giận sôi người. Nhà cửa vắng tanh, bếp núc lạnh lẽo, mẹ tôi ốm nằm trong giường không dậy được. Còn vợ thì đi làm vẫn chưa về, không quan tâm tới nhà cửa và mẹ chồng đang bệnh. 

Càng nghĩ tôi càng thấy uất ức và chán nản. Bình thường mẹ tôi khỏe mạnh, bà vẫn dọn nhà, nấu cơm cho các con, nhà tôi đâu có khó khăn gì với con dâu. Bây giờ bà ốm mấy hôm rồi, vợ tôi vẫn không biết đường về sớm cơm nước. 

Hồi năm ngoái mới cưới vợ tôi đâu có như vậy, cô ấy luôn ngọt ngào bảo rằng sẽ chăm lo tốt nhà cửa, con cái, để tôi yên tâm phấn đấu. Vậy mà bây giờ cô ấy quay ngoắt thái độ không thể tưởng tượng được. Tôi hiểu lý do tại sao rồi. Cũng bởi vì tôi làm ăn thất bại, công việc kinh doanh riêng đổ bể, chẳng những mất hết vốn mà hiện tại tôi còn nợ người thân và bạn bè mấy trăm triệu. 

Hiện tại tôi phải đi làm công tăng ca liên tục để lấy tiền trả nợ và lo cho gia đình. Cũng từ khi đó vợ tôi trầm lặng hẳn, giờ thì cô ấy tỏ thái độ bất cần ra mặt. Nghĩ đến người phụ nữ mình tin tưởng, yêu thương bỗng trở mặt mà tôi đau đớn và căm hận. Đợi mãi vợ chưa về, tôi phẫn nộ vơ hết quần áo, đồ đạc của cô ấy ném ra sân. Tôi sẽ ly hôn, giải thoát cho cô ấy tìm hạnh phúc mới, vậy đã được chưa? Dù sao cũng chưa con cái, chẳng có gì ràng buộc. 

 
Ảnh minh họa: Internet

Để rồi giữa đống đồ của vợ bị vứt tung tóe trong sân, tôi ngây ngẩn cả người khi nhìn thấy một thứ. Đó là phiếu siêu âm thai, tên vợ tôi, thời gian mới 2 tuần trước. Tại sao vợ không nói với tôi lời nào?

Đúng lúc đó thì cô ấy về. Vợ nhìn mớ đồ lộn xộn trong sân, tôi xấu hổ và hoang mang không biết giải thích thế nào. Lắp bắp hỏi vợ về chuyện cái thai, cô ấy nhẹ giọng đáp: “Anh đang phải chịu áp lực nên em chưa muốn thông báo, sợ anh áp lực thêm. Em định một thời gian nữa mới nói…”.

Tôi ôm chầm vợ xin tha thứ. Lúc ấy tôi mới biết dạo này vợ cũng thường xuyên làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập, ít nữa còn lo cho con. Mẹ tôi ốm, cô ấy đã thuốc men cho bà đầy đủ, chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho bà ăn tạm, khi nào về sẽ nấu cơm đàng hoàng. 

Tôi cay xè mắt nhận ra mình đang làm khổ vợ. Cũng vì tôi làm ăn thất bát, cô ấy mới vất vả thế này, mang bầu không được nghỉ ngơi còn phải làm thêm giờ. Vợ khổ cực là thế nhưng không hề trách móc tôi nửa lời, còn nghĩ cho tôi và cố gắng hết sức gánh vác cùng chồng. 

“Em không giận anh đâu…”, vợ trả lời khiến tôi cảm kích vô cùng. Tôi lập tức bảo cô ấy không được làm thêm nữa, nếu sức khỏe cho phép thì chỉ làm hành chính thôi. Song vợ không chịu, cô ấy bảo không làm việc thì sinh đẻ không có tiền lo cho con.

Tôi thương vợ và tự trách bản thân lắm. Nhưng ngay trước mắt thì tôi chưa có biện pháp gì cả, chỉ biết cố gắng chăm chỉ từng ngày thôi. Xin hỏi bà bầu có nên làm việc với cường độ cao, tăng cao thường xuyên như vợ tôi hay không?

Bà bầu làm việc quá sức có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Nhiều mẹ bầu khi mang thai vì ngoại trừ một số mẹ bầu sức khỏe yếu cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối thì đa phần các thai phụ vẫn giữ được sức khoẻ để có thể làm việc. Theo các chuyên gia sản khoa bà bầu vẫn có thể làm những việc trong nhà như lau chùi dọn dẹp hay làm công việc văn phòng. 

Tuy nhiên những công việc tưởng chừng như bình thường với người không mang thai lại có thể là nặng nhọc đối với các thai phụ. Việc bà bầu làm việc nhiều quá sức đều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi. 

Chính vì vậy, các mẹ trong thời gian mang thai phải cực kỳ cẩn thận khi làm bất cứ việc gì, phải đánh giá xem mức độ nặng của công việc, tình trạng sức khoẻ của bản thân cũng như giai đoạn đang mang thai để quyết định xem có làm việc gì đó hay không, tránh để những tình huống xấu có thể xảy ra với cả mẹ và thai nhi.

Khi làm việc, vận động, mẹ bầu phải lưu ý những điểm sau đây:

- Thai kỳ không phải là thời điểm thích hợp để bạn tăng cường lượng vận động, mà chỉ nên áp dụng những công việc nhẹ nhàng, vừa sức. 

- Không nên làm những việc đòi hỏi nhiều sức lực, có nhiều va chạm hay dễ té ngã, vì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé.

- Giữ tinh thần thoải mái thư giãn sau khi làm việc, thấy mệt cần phải nghỉ ngơi.

- Những dấu hiệu khiến bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim không đều hoặc nhanh bất thường, khó thở, hụt hơi, chảy máu âm đạo, co thắt tử cung, thai cử động ít hơn bình thường.