Mới đây, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh cho biết bệnh viện anh vừa tiếp nhận thai phụ Hoàng Thúy Hà (*), gần 40 tuổi.

Sản phụ Hà nhập viện đi đẻ trong tình trạng thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ, có vết mổ cũ nên các bác sĩ chỉ định mổ đẻ.

Khi đang mổ đẻ cho sản phụ Hà, mọi thứ diễn ra bình thường. Nhưng lúc vừa đưa thai nhi ra khỏi tử cung của mẹ, chị Hà đột ngột bị ngưng tim.

 

 

Sản phụ Hà nhập viện đi đẻ trong tình trạng thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ, có vết mổ cũ. (Ảnh minh họa)

Ngay lập tức các bác sĩ báo động đỏ khắp bệnh viện, dừng cuộc mổ và cấp cứu xoa bóp tim ngoài lồng ngực ngay tức khắc cũng như đặt nội khí quản.

“Lúc này sản phụ Hà được chẩn đoán nhanh là thuyên tắc ối, một bệnh rất hiếm, xác suất xảy ra chỉ từ 40.000 đến 53.800 thai phụ, nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%. Nhận rõ tính chất nguy hiểm của ca vượt cạn này khi tính mạng thai phụ như sợi chỉ mành treo dây chuông nên tất cả ê kíp đều cố gắng hết sức hồi sức cấp cứu cho chị Hà”, bác sĩ Thương kể lại.

Khi sản phụ Hà có nhịp tim trở lại, bác sĩ sản khoa phải cố gắng khâu vết thương để tránh mất máu. Bởi khi thuyên tắc ối xảy ra sẽ hoạt hóa hệ thống làm rối loạn đông máu, máu chảy nhiều gây băng huyết.

“Lúc này các bác sĩ sản khoa lại đứng trước chọn lựa nên cắt tử cung để cầm máu cho sản phụ hay không? Mặc dù chị Hà đã sinh 2 lần nhưng con đầu lòng của chị đến 9 tuổi bị u não rồi mất. Sau đó chị sinh con thứ 2 nhưng con cũng đang bị tim bẩm sinh. Còn lần sinh con thứ 3 này mọi thứ còn mỏng manh quá. Do hoàn cảnh éo le của sản phụ nên các bác sĩ quyết định chèn bóng vào tử cung để cầm máu và giữ lại tử cung cho chị Hà”, bác sĩ Thương cho biết.

Các kết quả chụp CT sau đó cho thấy, sản phụ Hà bị tắc động mạch phổi và các xét nghiệm xác định chẩn đoán là thuyên tắc ối. Thai phụ ngay sau đó đã được chuyển sang đơn vị hồi sức tim mạch để chăm sóc đặc biệt, nếu có choáng tim sẽ đặt ECMO.

Sau khi phối hợp nhịp nhàng các chuyên khoa gây mê hồi sức, sản khoa và tim mạch, sử dụng các loại thuốc trong đó có kháng đông, vài giờ sau mổ, sản phụ Hà đã tỉnh lại và máu bớt chảy dần. Nội khí quản và bóng chèn đã được các bác sĩ rút ra. Có thể nói, chỉ nhờ sự phối kết hợp nhanh chóng kịp thời đã cứu sống sản phụ Hà trong gang tấc. 

Được biết, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏe lại và được cho xuất viện trong niềm vui của người nhà và các bác sĩ.

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏe lại và được cho xuất viện. (Ảnh minh họa)

Thuyên tắc ối - Thảm họa sản khoa xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước

Theo y khoa, bệnh thuyên tắc ối (hội chứng giống sốc phản vệ ở người mang thai) là tình trạng nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung, gây ra phản ứng giống dị ứng, làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).

Thuyên tắc ối là biến chứng đáng sợ nhất trong sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm do nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp… khiến bệnh nhân bị đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu... và gặp nguy hiểm cao hơn nếu sản phụ mắc đái tháo đường.

Thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, dấu hiệu là sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng một vài phút đầu tiên, nhanh chóng kéo tụt huyết áp, phù phổi, sốc, lú lẫn, mất ý thức, co giật, hôn mê… Đa số bị ngưng tim phổi trong những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung.

Y khoa coi thuyên tắc ối là một thảm họa sản khoa, xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước vào thời điểm chuyển dạ, hoặc ngay lập tức sau sinh. Nếu xảy ra thuyên tắc ối có tới 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau 1 giờ thì phần lớn để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Sản phụ nào có nguy cơ bị thuyên tắc ối?

Tất cả các độ tuổi đều có thể bị thuyên tắc ối xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh. Việc nạo hút thai, truyền dịch ối, hay chấn thương bụng... cũng có thể xảy ra. Y khoa ghi nhận các sản phụ thuyên tắc ối có một vài đặc điểm như: thai nhi lớn, thai quá ngày, hốt hoảng, lo lắng, than lạnh, khó thở và nôn mửa.

Ngoài ra, những trường hợp đa thai, khó sinh làm tổn thương cổ tử cung tạo điều kiện cho nước ối xâm nhập vào hệ thống mạch máu của mẹ dẫn đến thuyên tắc ối. Các chuyên gia cho rằng thuyên tắc ối là kết quả do dịch nước ối vào tĩnh mạch tử cung và điều này xảy ra khi có 3 điều kiện: Vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung, áp lực buồng tử cung cao.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc ối có thể bao gồm:

- Mẹ bầu tuổi cao: Nếu sinh con khi trên 35 tuổi thì sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối.

- Đa sản, đẻ nhiều lần, đa thai.

- Bất thường nhau thai: Nếu có cấu trúc phát triển bất thường trong tử cung khi mang thai sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối.

- Tiền sản giật: Nếu mắc tiền sản giật - huyết áp cao và protein nhiều trong nước tiểu sau tuần 20 - sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối.

- Mổ lấy thai: Việc dùng kẹp hoặc giác hút lấy thai có thể làm tăng nguy cơ bị thuyên tắc ối. Các thủ thuật này có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa sản phụ và em bé. Nhưng các chuyên gia không chắc rằng mổ lấy thai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối hay không.

- Rau bong non.

- Các yếu tố nguy cơ ở thai: suy thai, thai chết lưu, bé sơ sinh nam.

- Bệnh thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được. Do đó các bác sĩ khi theo dõi sản phụ chuyển dạ cần nhanh chóng ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng, nhận định được chẩn đoán để kịp thời hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ là điều kiện tiên quyết có thể mang lại hy vọng cứu sống mẹ và thai nhi.