Vụ trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe: Đại biểu Quốc hội đề nghị phải giám sát chặt loại hình xe chở trẻ em
Sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn là một tội ác
Liên quan đến vụ cháu bé mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe ôtô ở Thái Bình, ngày 30/5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh đây là sự việc rất đau lòng.
"Có thể nói, vụ việc cháu bé mầm non bị bỏ quên trên xe và tử vong tại Thái Bình ngày 29/5 là sự việc tắc trách và rất đau buồn. Càng đau buồn hơn nữa khi sự việc xảy ra vào lúc chúng ta đang hướng đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em.
Sự việc này xảy ra do sự tắc trách của người lớn, khi xuống xe, giáo viên nhận học sinh không hề kiểm lại xe và không kiểm lại số lượng học sinh, người lái xe cũng không kiểm tra xe. Khi cô giáo phụ trách đưa đón giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp, thì giáo viên chủ nhiệm cũng không có động thái kiểm tra sĩ số học sinh của lớp mình, có vắng em nào không và nguyên nhân vắng là gì?", đại biểu bày tỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tất cả những người lớn có mặt ở câu chuyện này đều có lỗi. Cao hơn nữa, trong những sự tắc trách về mặt công việc thì có những việc gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng trong trường hợp này, sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn lại là một tội ác. Bởi vì rõ ràng với sự tắc trách này, một cháu bé tuổi còn rất nhỏ bị bỏ quên trên xe cả một ngày mà không ai phát hiện ra để dẫn đến kết cục đau lòng là cháu bé tử vong. Đây là hồi chuông cảnh báo với tất cả chúng ta trong tất cả mọi công việc.
Đại biểu cho rằng, trách nhiệm trước tiên trong vụ việc thuộc về nhà trường. Trong thời gian học sinh đến trường, bất kỳ một sự việc nào xảy ra đối với học sinh thì trách nhiệm đầu tiên phải là nhà trường. Nhà trường là nơi quản lý học sinh trong thời điểm đó, trong thời gian đó. Trong vụ việc này, em học sinh không chỉ tử vong trong thời gian ở trường mà còn tử vong trên xe đưa đón học sinh. Cô giáo, thầy cô giáo nhận học sinh thì cũng không rõ là mình nhận bao nhiêu học sinh và bàn giao cho các lớp là bao nhiêu học sinh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, về quy trình để đảm bảo an toàn đưa đón học sinh thì xe đưa đón học sinh phải thực hiện những quy định về an toàn giao thông như các loại phương tiện khác nhưng có những điều đặc biệt hơn. Xe đưa đón học sinh sẽ có yêu cầu về kết cấu xe, màu sơn của xe như thế nào để dễ phân biệt. Còn quy trình đưa đón học sinh như thế nào thì lại nằm ở các quy định khác của nhà trường.
"Bên cạnh những quy định về hạ tầng vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật của xe đưa đón, theo tôi, các cơ sở giáo dục rất cần thiết rà soát lại quy trình đưa đón học sinh, quản lý học sinh như thế nào đảm bảo an toàn nhất, tránh trường hợp đáng tiếc như vừa rồi", đại biểu nhấn mạnh.
Mặt khác, theo đại biểu, quy trình đưa đón học sinh và quy trình liên lạc giữa phụ huynh, nhà trường cần rà soát lại và có những quy định chặt chẽ hơn.
Ví dụ như vụ việc cháu bé tử vong trong xe ngày hôm qua, nếu có sự liên lạc chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường thì chưa chắc xảy ra tình trạng đó, đặc biệt là lứa tuổi mầm non. Khi con em mình không đi học được vì lí do nào đó, phụ huynh kịp thời báo cho nhà trường thì nhà trường cũng nắm được số lượng học sinh nghỉ học.
Ở góc độ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng tùy tình hình của các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố có thể tổ chức giám sát chuyên đề về vấn đề này, trong đó tập trung ở những địa phương, các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... và những địa phương đã từng xảy ra sự việc tương tự cũng nên có một chuyên đề giám sát.
Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt trong việc này để đảm bảo an toàn cho học sinh.
"Nhà trường vốn được coi là môi trường an toàn nhất cho con trẻ mà lại xảy ra rất nhiều các vụ việc thương tâm, tai nạn học đường cũng không phải là hiếm thì đây cũng là tình trạng rất báo động", đại biểu bày tỏ.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, đảm bảo một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em lớn lên là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả người lớn chúng ta. Điều này cũng đã được quy định rất rõ trong các dự án luật liên quan đến trẻ em, trong Công ước quốc tế quyền trẻ em mà Việt Nam là một trong những quốc gia ký từ rất sớm. Tuy nhiên, thực hiện điều này đến đâu thì chúng ta vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, rất nhiều hạn chế cần phải bàn đến.
Chúng ta vẫn chưa thực sự tạo được một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em lớn lên và phát triển. Bằng chứng là hàng năm, riêng tai nạn đuối nước cũng đã cướp đi trên dưới 2.000 sinh mạng trẻ em, mặc dù chúng ta đã rất chú trọng đến điều này. Tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em khá nhiều, trong đó có những tai nạn thương tích xảy ra ở gia đình, có những tai nạn thương tích xảy ra ở nhà trường, rồi nạn bạo hành trẻ em, xâm hại trẻ em cũng vẫn còn tồn tại với con số báo cáo hàng năm rất lớn.
Như vậy, chúng ta chưa thực sự tạo được một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển. Điều này có trách nhiệm của toàn xã hội, của cả gia đình, nhà trường và cả xã hội.
"Trong thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta cần phải thực sự chú trọng hơn đến vấn đề tạo một môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ em", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Việc giám sát loại hình xe chở học sinh cần chặt chẽ, toàn diện hơn
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc giám sát loại hình xe chở học sinh này cần chặt chẽ, toàn diện hơn. Đối với những xe dịch vụ chở trẻ mầm non, cần phải thiết kế để nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng, người ở bên ngoài có thể biết được điều gì đang xảy ra bên trong xe.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, nếu xe đưa đón trẻ mầm non mà đóng kín, thiết kế như ngôi nhà di động, dán kính đen khiến việc quan sát ở bên ngoài rất khó.
"Khi có vấn đề xảy ra, trẻ có thể đi lại, khóc, tại sao không thiết kế xe cho chở trẻ mầm non để người ở ngoài vẫn có thể nghe được âm thanh, thấy được hình ảnh ở bên trong. Theo tôi, phải thiết kế xe chở trẻ mầm non, tiểu học khác với xe đường dài chở khách", đại biểu bày tỏ.
Nữ đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế cho biết, bà chưa nghe đơn vị chức năng nào hay đơn vị thực hiện dịch vụ vận tải giới thiệu về mô hình, loại hình xe dịch vụ đưa đón trẻ mầm non.
"Tôi mong muốn sẽ có sự rà soát, đánh giá, chuẩn bị cho những dự án thiết kế, xây dựng đầu tư loại xe như trên từ các cơ quan chức năng, từ các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cho trẻ. Mong các cơ sở tổ chức đưa đón trẻ bằng các dịch vụ vận tải phải chọn lựa các loại xe phù hợp với trẻ con và tuân thủ nguyên tắc an toàn là trên hết", đại biểu nêu ý kiến.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho hay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã có văn bản góp ý về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông với vấn đề an toàn cho trẻ ở trên các phương tiện giao thông, đặc biệt là với phương tiện đưa đón.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, rõ ràng nhận thức của cơ sở giáo dục, của người đứng đầu là chưa thực sự quan tâm, chưa lo lắng, chưa quán triệt và xử lý chưa nghiêm. Việc đưa đón phải chọn những người cụ thể, phù hợp, đủ tiêu chuẩn.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...