Ngày 16/9, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa, đã tạm giữ hình sự với Lê Văn Thức (29 tuổi, trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) để lấy lời khai liên quan đến vụ án mạng khiến một người tử vong xảy ra tối 15/9 ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa.

Tối 15/9, sau khi ăn tối ở Thái Nguyên, Thức thuê xe đi Hà Nội để tìm chị N.. Thức đến cửa hàng của anh N.T. để tìm bạn gái, nhưng không gặp nên đã rời đi . Sau đó, người này vô tình bắt gặp anh N.T. đang chở chị N. đi qua, nên đã thuê xe taxi bám theo.

Khi đến phố Láng Hạ, Thức yêu cầu tài xế taxi vượt lên, ép xe của anh T. vào lề. Ngay lập tức, Thức dùng dao bấm đâm vào đầu và ngực anh T., rồi kéo chị N. lên taxi để chở về Thái Nguyên.

Nghi phạm Lê Văn Thức. Ảnh: Công an Hà Nội.

Bị đâm mất nhiều máu, anh T. tử vong trên đường đến bệnh viện. Chị T. bị Thức đưa đến địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan vụ án nam thanh niên bị đâm tử vong khi đang chở bạn gái tại Láng Hạ, tiến sĩ luật Nguyễn Thành Tô đã có cuộc trao đổi những thông tin pháp lý về vụ việc.

Luật sư Tô cho biết: "Theo điều 123, bộ luật hình sự năm 2015, hành vi và lời khai ban đầu của Lê Văn Thức cho thấy hành vi của người này có thể vi phạm điểm N và điểm Q, cụ thể là có tính chất côn đồ và động cơ đê hèn, mức án nhẹ nhất theo điều này là 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình".

“Về tài xế taxi, trước tiên cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò của người lái taxi để xác định người này có phải đồng phạm với đối tượng gây án hay không? Bởi theo camera ghi lại, chiếc xe taxi đã chủ động ép ngã xe máy. Nếu không có sự đồng tình, thỏa thuận trước mà bị đe dọa, thì sau khi đối tượng gây án, tài xế taxi hoàn toàn có thể bỏ chạy bằng cách chạy ra khỏi xe hoặc di chuyển xe đi nơi khác và trình báo công an”, vị tiến sĩ này phân tích

Theo luật sư Tô, tài xế taxi có phải đồng phạm hay không, trước hết phụ thuộc vào đối tượng gây án nói gì với người lái taxi và thái độ hành động của người này sau khi hung thủ gây án.

Trường hợp người lái taxi biết đối tượng có chủ ý giết người mà vẫn giúp sức, thì tài xế trở thành đồng phạm giết người.

Trường hợp lái xe không biết đối tượng có chủ ý giết người hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người do tình huống diễn ra quá nhanh, tài xế không thể nhìn thấy hành vi đâm nam thanh niên, ép cô gái lên xe, nhưng sau khi chứng kiến đối tượng gây án mà không tố giác, thì lúc này lái xe cũng trở thành đồng phạm giết người bởi hành vi vi phạm tội không tố giác tội phạm.

Luật sư Tô cho biết, theo khoản 2 điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, tội đồng phạm giết người có thể bị phạt tù 7-15 năm.