Sự việc xảy ra vào sáng 28/1, khi tàu khách SE5 kéo 12 toa xe, xuất phát từ ga Hà Nội đi TP.HCM. Lúc 9h24, khi đến lối mở km 28+800 đoạn qua xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội), tàu tông mạnh vào phần đuôi xe đầu kéo đang chở nhiều bó sắt.

Sau va chạm, một nữ nhân viên gác chắn bị thương ở khớp gối, hiện đã hồi phục sức khỏe. Đầu máy tàu hư hỏng, phải nhờ cứu viện và thay thế. Sau gần 3 giờ khắc phục, tàu SE5 tiếp tục hành trình.

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: H.Q)

Chiều 31/1, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Phùng Tuấn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây, đơn vị quản lý lối mở - nơi xảy ra vụ va chạm cho biết, sau khi sự việc xảy ra, công ty đã tạm đình chỉ 2 nhân viên gác chắn để chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau đó sẽ đưa ra hình thức xử lý.

“Chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan điều tra, căn cứ vào mức độ vi phạm có thể sẽ buộc thôi việc. Công ty sẽ thành lập hội đồng kỷ luật bàn về việc này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với người lao động”, ông Minh nói.

Nói về vụ việc xảy ra hôm 28/1, ông Minh thừa nhận lỗi do nhân viên chậm hạ barie và không dừng tàu, khiến tàu SE5 va chạm với xe đầu kéo. Theo quy trình, tại lối mở km 28+800 đường sắt Bắc Nam, đoạn qua xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội), trước 90 giây khi tàu đến, nhân viên gác chắn phải hạ barie để ngăn người và phương tiện đi vào.

Tuy nhiên, hai nhân viên trực gác chắn đã chậm hạ barie, để xe đầu kéo chở sắt đi vào lối mở. Do xe dài và nặng, tài xế không quen đường nên mất gần 2 phút không thoát ra, gây va chạm với tàu khách SE5 hành trình Hà Nội - TP.HCM.

Theo ông Minh, khi phát hiện xe đầu kéo mắc kẹt trên đường sắt, hai nhân viên gác chắn đã không phát tín hiệu cảnh báo để dừng tàu. Dù trước đó, tàu SE5 đã tránh tại ga Phú Xuyên, cách vị trí va chạm khoảng 500m, phía ga đã phát tín hiệu báo tàu sắp đến với nhân viên gác chắn trên đường.

Khẳng định hai nhân viên gác chắn không bỏ vị trí, lỗi của những nhân viên này theo ông Minh là do họ xử lý chậm, thiếu kinh nghiệm.

“Họ không bỏ vị trí, lúc đó có thể do hốt hoảng, mất bình tĩnh vì tàu đến gần quá”, ông Minh nói.

Đối với nghiệp vụ gác chắn của nhân viên, ông Minh cho biết, đều được đào tạo nghiệp vụ tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, đã được cấp chứng chỉ. Mỗi năm, lại được tập huấn quy định mới. Hai nhân viên trực hôm đó đã có hơn 3 năm kinh nghiệm.

Lối mở km 28+800 dẫn từ quốc lộ 1 vào khu đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng, mật độ phương tiện lớn, gây nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, vị trí này chưa có biển hạn chế xe tải trọng lớn theo như quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội.

Sau sự cố, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Hà Tây kiến nghị cơ quan quản lý cắm biển hạn chế xe tải trọng lớn.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, cũng đã yêu cầu huyện Thường Tín rà soát, hạn chế xe tải trọng lớn, xe container đi qua lối mở này.

Theo khoản 4 Điều 23 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT quy định về chắn đường ngang có người gác như sau: Điều 23. Chắn đường ngang có người gác:

1. Trên đường bộ hai bên đường sắt trong phạm vi đường ngang phải đặt chắn đường ngang để ngăn các phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ khi có tàu đến. Chắn đường ngang đặt cách mép ray ngoài cùng 6 mét (m). Trường hợp địa hình hạn chế, chắn phải được đặt tại vị trí không được vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc của đường sắt theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.

2. Chắn đường ngang bắt đầu đóng từ phía bên phải đường bộ (theo hướng đi vào đường ngang) sang phía trái. Trường hợp đường ngang có nhiều chắn phải đóng chắn phía bên phải trước. Khi chắn đã đóng phải ngăn toàn bộ mặt đường bộ.

3. Chắn đường ngang có thể lắp động cơ điện để hỗ trợ nhân viên gác chắn thao tác đóng, mở chắn hoặc sử dụng cần chắn hoạt động bằng điện và có người điều khiển.

4. Thời gian đóng chắn: a) Hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến đường ngang ít nhất: 60 giây đối với chắn điện và tời; 90 giây đối với chắn thủ công; b) Không đóng chắn trước quá 3 phút đối với đường ngang cấp I, cấp II và quá 5 phút đối với đường ngang cấp III trước khi tàu đến đường ngang; trừ đường ngang có quy định riêng của Bộ Giao thông vận tải.