Thân cò cáng đáng gia đình

Chiều 12/4, PV Dân Việt có mặt tại ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng chị Phan Thị Thắm (SN 1987, trú khóm 1, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) khi gia đình vừa lo xong tang lễ cho con trai Nguyễn Văn Q (SN 2007, học lớp 9, Trường THCS thị trấn Krông Klang).

Ngôi nhà của vợ chồng chị Thắm - cha mẹ của Q tuềnh toàng, nóng bức. Ảnh: Ngọc Vũ

Trước khi đến, PV đã nghe thông tin nhà chị Thắm nghèo lắm, nhưng khi tận mắt chứng kiến cũng không khỏi xúc động bởi cái nghèo khó tưởng tượng.

Ngôi nhà cấp 4 chỉ rộng khoảng 35m2, tường bờ lô xi măng, lợp mái tôn bờ rô thấp nóng nực. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc máy lọc nước đã cũ.

Tiếp xúc với PV, chị Thắm nghẹn ngào cho biết, ngôi nhà này được mua lại 13 năm trước từ tiền mẹ chồng cho lúc vợ chồng chị ở riêng.

Lo việc cho con trai xong, chồng chị là Nguyễn Văn Sửu (SN 1985) phải tức tốc bắt xe khách về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để chạy thận.

2 năm nay, cứ 3 ngày một lần anh Sửu lại phải về bệnh viện tỉnh chạy thận. Nhà thuộc diện hộ nghèo nên chi phí chạy thận được miễn, nhưng mỗi tháng cũng tốn không ít tiền thuốc thang, bắt xe khách đi lại.

Chồng mắc bệnh hiểm nghèo, 3 người con còn nhỏ (Q là con đầu, 2 em lần lượt học lớp 7 và mẫu giáo) nên chị Thắm phải cáng đáng mọi việc. Gánh hàng cá bán ở chợ huyện không đủ giúp chị đắp đổi bữa ăn cho gia đình.

Lúc hay tin con trai bị đâm, anh Sửu còn đang chạy thận. Chị Thắm cùng người thân vội vượt gần 20km vào hiện trường tại xã Ba Lòng, nhưng con trai đã nhắm mắt xuôi tay.

"Cuộc đời tôi lam lũ từ sáng tới tối nuôi chồng, chăm con. Nay con mất, tôi như đứt từng khúc ruột, không gì bù đắp được nỗi đau này" – chị Thắm nói, đôi mắt hướng về di ảnh con.

Cùng cảnh nghèo khó

Nhà nạn nhân nghèo là thế, nhưng nhà của học sinh Lê Hữu Quân (SN 2008, học sinh lớp 9, Trường TH&THCS Ba Lòng, xã Ba Lòng, huyện Đakrông) – người gây án mạng cũng chẳng khá hơn.

Trưa 12/4, khi PV Dân Việt đến, nhiều người dân ở xã Ba Lòng đang có mặt tại nhà của Quân để hỏi thăm, mang tiền đến hỗ trợ gia đình. Những người này cho biết, thường ngày thấy Quân hiền lành, siêng năng làm việc, mùa hè đi làm thuê kiếm tiền giúp cha mẹ, lo cho các em nên nhiều người thương. Biết chuyện của Quân, nhiều người đã quyên góp để phụ giúp em và gia đình có tiền lo việc, thắp hương cho nạn nhân.

Quân ngồi giữa cha mẹ. Giờ này Quân rất hối hận về hành vi của mình, nhưng đã muộn màng. Ảnh: Ngọc Vũ

Anh Lê Hữu Cư (SN 1980, trú thôn 5, xã Ba Lòng – bố của Quân) đôi mắt thẫn thờ kể, sau khi ở riêng năm 2009, vợ chồng anh dựng căn nhà nhỏ, nuôi 3 con ăn học. Là hộ nghèo nên năm 2017, gia đình anh được hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà. Nghĩ rằng một lần làm nhà là một lần khó nên vợ chồng anh đánh liều bán gần 1ha đất rừng và vay mượn thêm để xây nhà, hoàn thành năm 2018. Ấy thế, căn nhà vẫn chưa hoàn thiện.

Làm nhà xong, chẳng có đất rừng, cũng không có ruộng, hai vợ chồng phải tha hương vào tận Long An làm thuê. Là con đầu, Quân ở nhà phải tự lo cho bản thân và chăm sóc 2 em nhỏ việc ăn, học. Thả lưới bắt cá, làm thuê, nấu cơm, đưa đón em đi học là việc mà Quân phải cáng đáng đỡ đần cha mẹ suốt 3 năm xa nhà.

Anh Cư cho biết, lúc đang làm thuê ở miền Nam thì dịch Covid-19 bùng phát, giai đoạn căng thẳng nhất là lúc giãn cách xã hội, vợ chồng thất nghiệp, cái ăn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nhà hảo tâm. Cuối năm 2022, vợ chồng anh Cư mới có thể về quê với hai bàn tay trắng.

Sau đó, anh Cư vào tỉnh Thừa Thiên – Huế làm thuê đóng cọc pha, còn vợ là Nguyễn Thị Vân (SN 1990) ở nhà, ai thuê gì làm nấy.

Hay tin con trai gây tai hoạ, anh Cư run lên từng cơn, lo sợ, đau đớn.

Theo anh Cư, bậc làm cha làm mẹ hai bên gia đình không ai mong muốn chuyện này xảy ra. Cũng không gì có thể bù đắp được nỗi đau mất đi người thân, con cái. Nhưng hiện tại gia đình anh đang cố gắng làm mọi việc có thể để được gia đình em Q đồng ý cho thắp nén hương tạ lỗi.

"Nhà không có tiền nên vợ chồng tôi phải xin anh vợ một con bò bê, đang tìm người mua và vay mượn thêm mỗi người một ít, cùng với tiền bà con trong xã quyên góp để mong được đến viếng cháu Q, bù đắp được chừng nào hay chừng đó chứ không biết làm thế nào" – anh Cư chia sẻ.

Hối hận muộn màng

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 11/4, Viện KSND tỉnh Quảng Trị phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Hữu Quân (SN 2008, học sinh lớp 9 Trường TH&THCS Ba Lòng, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

Vụ án học sinh lớp 9 đâm chết người tại xã Ba Lòng. Ảnh: CTV

Vì chưa đủ 16 tuổi nên sau khi bị khởi tố tội danh "Giết người" theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự, Lê Hữu Quân được cơ quan chức năng cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, khoảng 13h30 ngày 7/4, một nhóm 4 người gồm: Trương Văn L, Nguyễn Văn P, Lê Văn T (cùng SN 2006, học lớp 11 Trường THPT Đakrông) và Nguyễn Văn Q. (SN 2007, học lớp 9, Trường THCS thị trấn Krông Klang) đi xe máy từ thị trấn Krông Klang về tại cổng Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng.

Tại đây, Q. đi vào trường gặp Lê Hữu Quân. Lúc này, Q. dùng mũ bảo hiểm ném vào Lê Hữu Quân. Quân đã dùng dao đâm vào ngực trái của Q. khiến nạn nhân tử vong.

Theo lời của Quân, sáng cùng ngày, một bạn nữ cùng lớp tên G hỏi Quân về chuyện trước đó có va chạm cơ thể với G hay không. Quân trả lời là không. Sau đó, Quân hỏi một bạn nữ khác cùng lớp thì được biết, chiều cùng ngày sẽ có người đến đánh mình. Đầu giờ chiều, Quân mang theo một cây dao loại gọt trái cây đi học với mục đích phòng vệ. Khi bị nhóm của Q vây ráp, ném mũ bảo hiểm vào người, Quân rút dao ra để đe doạ nhằm không bị đánh. Nhưng Q đã đi vòng về phía sau lưng đánh vào Quân. Quân quay người, đưa dao ra thì trúng vào ngực của Q. Thấy máu từ người Q, Quân hoảng hốt vứt dao bỏ chạy đến Công an xã Ba Lòng đầu thú.

Theo lời Quân, ban đầu chỉ tưởng Q bị thương nhẹ. Nhưng sau này biết Q tử vong, Quân rất hoảng sợ, nhiều đêm không ngủ được.

Cũng theo lời Quân, trước đây Quân và bạn cùng lớp tên G có tình cảm yêu đương nhưng đã chia tay một thời gian. Sau đó, G có tình cảm với Q. Lý do vì sao Q cùng bạn đến trường đánh mình thì Quân không biết.

"Em sợ, hối hận lắm" – Quân trả lời lắp bắp, gương mặt nhợt nhạt khi PV Dân Việt hỏi.

Luật sư Nguyễn Thị Khánh Thi, Văn phòng Luật sư Trần và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị cho biết, giết người là tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự, bởi giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến tính mạng của con người, là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn. Mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tội Giết người được quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về Giết người theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, mức phạt tù với những đối tượng này sẽ thấp hơn so với mức phạt quy định tại điều luật.

Tại khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự quy định: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai (1/2) mức phạt tù mà điều luật quy định.