Một video lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây ghi lại cảnh tượng hàng chục công dân Việt Nam, là nhân viên tại sòng bạc ở Campuchia, cố gắng vượt qua con sông biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để trốn thoát khỏi sự đàn áp của giới chủ sòng bạc, tờ Khmer Times đưa tin.

Những người nói trên được cho là chạy trốn khỏi sòng bạc Golden Phoenix thuộc xã Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal. Đây là sòng bạc do người Trung Quốc quản lý.

Những công dân Việt Nam này cho biết họ bị lừa làm việc tại sòng bạc “địa ngục” này. Họ đã lên kế hoạch chạy trốn từ hai ngày trước, sau đó thực hiện cuộc tẩu thoát vào sáng 18-8, khi sòng bạc vừa mở cửa và chỉ có 7,8 người canh gác.

Cơ quan chức năng Campuchia làm việc với các đại diện sòng bạc. Ảnh: KHMER TIMES

Theo lời kể của một phụ nữ sống sót sau cuộc bỏ trốn, khoảng 10 giờ sáng, cả nhóm tháo chạy về phía cổng. Một nhóm nam thanh niên đi trước để tấn công những người gác cổng và mở đường cho phụ nữ chạy thoát. Nhóm nam thanh niên khác đi sau bọc lót, ném bom xăng vào những người gác cổng.

Ban đầu, người gác cổng khá bất ngờ nhưng ngay sau đó một nhóm người đàn ông lực lưỡng, cầm dùi cui đuổi đánh những người bỏ trốn.

Một người trong nhóm bỏ trốn bị bắt lại. Một vài người trong số họ thậm chí còn không biết bơi, nhưng vẫn nhảy xuống nước và được những người khác kéo lên bờ.

Mục tiêu của những người bỏ trốn là đến được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình. Sau khi đến đây họ đã được lực lượng chức năng chăm sóc và tiến hành lấy lời khai.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhờ chính quyền Campuchia giúp đỡ để điều tra vụ việc.

Ngày 19-8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia - ông Sar Kheng nói với truyền thông rằng sòng bạc đã tuyển dụng lao động bất hợp pháp và không trả cho người lao động như mức lương đã thỏa thuận.

Cảnh sát cho biết trong số những người bỏ chạy có một người chết đuối và 11 người bị bắt lại.

Tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên Cục Di trú Campuchia cho biết ông cùng cấp dưới của mình đã đi đến sòng bạc Golden Phoenix, bắt giữ và thẩm vấn người quản lý sòng bạc.

Người quản lý sòng bạc, có quốc tịch Trung Quốc thừa nhận đã bắt những người lao động Việt Nam làm việc trái với mong muốn của họ. Người này nói thêm rằng những người Việt này đã nợ tiền của sòng bạc.

Đối với 11 lao động Việt bị bắt lại, tướng Keo Vannthan cho biết ông đã thẩm vấn những người này. Họ cho biết rằng họ bỏ trốn do tranh chấp với những người quản lý xoay quanh việc sòng bạc không tuân thủ hợp đồng.

Tướng Vannthan nói “sòng bạc đã hứa trả cho họ mức lương 800 USD, nhưng chỉ trả 400 USD hoặc 500 USD một tháng”. Ông cũng nói thêm những công dân Việt này đang bị giam giữ để chờ trục xuất khỏi Campuchia do “không ai trong số họ có hộ chiếu”.

Ngày 21-8, Tỉnh trưởng tỉnh Kandal - ông Kong Sophoan cho biết cảnh sát Campuchia đang tiến hành điều tra vụ việc trước khi đưa ra quyết định tiếp theo”. Ông nói thêm “chúng tôi yêu cầu các công ty phải tuân thủ luật lao động của Campuchia, có giấy phép kinh doanh và đảm bảo người lao động thực hiện đúng công việc của họ, không sử dụng ma túy và không cưỡng ép lao động”.

Ông Sophoan kêu gọi cảnh sát Việt Nam và Campuchia hợp tác để giải quyết vấn nạn nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn.

Nạn buôn người dưới hình thức lừa đảo lao động không còn mới mẻ ở Campuchia, rất nhiều trường hợp người nước ngoài bị lừa đến Campuchia làm việc được ghi nhận trong những tháng vừa qua.

Tờ Khmer Times đã điều tra và báo cáo nhiều vụ việc tương tự cho biết rằng cách thức hoạt động của loại hình lừa đảo này là dụ dỗ nạn nhân (thường là công dân Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và mới đây nhất là Việt Nam) bằng khoản thu nhập hấp dẫn.