Đau bụng âm ỉ do vòng chui vào bụng

Chị Trần Thị Lê (tên nhân vật đã thay đổi, 31 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) nhập viện Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội vì bị đau bụng thường xuyên không đỡ. Bụng đau âm ỉ khiến chị Lê khó chịu đặc biệt là khi đến chu kỳ kinh nguyệt.

Chị Lê đến bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện vòng tránh thai của chị Lê chui lên ổ bụng và đã chỉ định phẫu thuật nội soi gắp vòng tránh thai.

Chị Lê kể đặt vòng tránh thai được khoảng 4 năm nay và thấy chức năng vòng “vẫn chạy tốt” nên chị chủ quan không đi khám sản khoa bao giờ. Khi thấy bụng đau âm ỉ, đau bụng kinh nhiều hơn chị ra trạm y tế xã được mua thuốc giảm đau và tình trạng bụng nặng nặng cứ diễn ra vài tháng nay.

Khi bác sĩ gắp chiếc vòng ra chị thấy giật mình và hình ảnh chiếc vòng chui vào gần bàng quang. Sau tai nạn vòng tránh thai, chị Lê tâm sự chắc không dám sử dụng vòng tránh thai mà chọn phương pháp tránh thai khác.

Trường hợp của chị Lê Thùy D. (34 tuổi, quê Cà Mau) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Vạn Phúc 2, Bình Dương nội soi lấy vòng tránh thai.

Chiếc vòng tránh thai của chị Lê được bác sĩ nội soi gắp ra - Ảnh BVCC

Theo chị D., trước đó chị thường bị tiểu buốt, tiểu rắt và đau bụng. Khi đến khám thì phát hiện sỏi bàng quang khoảng 2,2 cm và được bao quanh một nhánh của vòng tránh thai chữ T. Qua hình ảnh chụp Xquang, bác sĩ phát hiện nhánh chữ T đâm xuyên thành bàng quang và một phần của vòng chữ T nằm trong ổ bụng.

Các bác sĩ đã tán sỏi bàng quang và lấy vòng tránh thai chữ T cho bệnh nhân. Chị D. cho biết chị đặt vòng tránh thai khoảng 8 năm nay và hoàn toàn không nghĩ vòng sẽ chui lên đậu ở ổ bụng. Chỉ đến khi vào viện được bác sĩ giải thích chị mới giật mình.

Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cơ sở Thái Hà, cho biết đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai an toàn và được nhiều chị em sử dụng.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dung bất cứ phương pháp tránh thai nào cũng có chỉ định và chống chỉ định, sử dụng biện pháp nào chị em cũng cần phải được thăm khám thường xuyên.

Trong trường hợp đặt vòng tránh thai, nếu chị em phụ nữ thấy đau bụng âm ỉ kéo dài, ra máu, xuất huyết bất thường cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kiểm tra vị trí của vòng tránh thai. Việc vòng tránh thai chui lên ổ bụng không phải là hiếm.

BS Lê Thị Kim Dung – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cơ sở Thái Hà - Ảnh: Internet

Bác sĩ Dung giải thích về cơ bản vòng tránh thai có tác dụng mang thai ngoài ý muốn và được đặt ở tử cung phụ nữ. Tuy nhiên, có một vài người có thể do cơ địa. Khi đặt vòng tránh thai tử cung tăng cường co bóp khiến vòng tuột ra qua lỗ cổ tử cung rồi đi đến các bộ phận khác hoặc có thể rơi ra ngoài.

Dưới tác dụng co bóp của tử cung khiến vòng lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung, mỗi ngày vòng chui thêm chút và không có triệu chứng gì. Chỉ khi nào vòng chui qua lớp cơ tử cung đi vào trong ổ bụng người bệnh mới có cảm giác đau bụng âm ỉ.

Bác sĩ Dung khuyến cáo chị em phụ nữ khi đặt vòng tránh thai cũng cần kiểm tra ít nhất một lần. Ngoài kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phần phụ, bác sĩ còn kiểm tra vị trí của dụng cụ tránh thai như thế nào. 

Khi đặt vòng tránh thai thấy bất thường như đau bụng, ra máu chị em cũng không nên cố “đeo vòng” vì có thể gây biến chứng cho cổ tử cùng. Không chỉ riêng sợ vòng đi lạc mà nguy cơ viêm vùng chậu khi đặt vòng tránh thai cũng rất cao.

Bác sĩ Dung cho biết nếu thấy xuất hiện các triệu chứng giống như cúm, sốt, ớn lạnh, chuột rút nặng, chảy máu bất thường trong kỳ kinh nguyệt, chảy máu quá nhiều, đặc biệt là trong vòng một tháng sau khi dùng vòng tránh thai chị em nên đi khám sớm.

Các bác sĩ sản khoa sẽ thăm khám và tư vấn cụ thể cho từng người để có biện pháp tránh thai vừa an toàn cho sức khoẻ, vừa đảm bảo đúng hiệu quả tránh thai.