Dịp cuối năm, khi thời tiết hanh hao kéo đến cũng là lúc vào "mùa mỹ phẩm". Chị em nào cũng muốn sắm cho mình một bộ mỹ phẩm để chăm sóc làn da trong mùa đông. 

Tuy nhiên, có không ít người nôn nóng mua mỹ phẩm trả góp để rồi "ôm hận".

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo tới người dân khi thực hiện giao dịch mua các bộ mỹ phẩm có giá trị lớn qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng.

Có nhu cầu mua mỹ phẩm, chị em hãy tìm hiểu kỹ để tránh sa bẫy mua trả góp, nảy sinh tranh chấp tiền bạc phát sinh. Ảnh minh họa.

Cụ thể trong giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10 năm 2019, Cục ghi nhận xu hướng gia tăng các khiếu nại liên quan đến việc mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da mặt có giá trị lớn qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng.

Nhiều người tiêu dùng đã khiếu nại về hành vi cung cấp thông tin trong quá trình giới thiệu bộ mỹ phẩm và quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ cho vay trả góp của ngân hàng.  

Để tránh những tranh chấp phát sinh, Cục khuyến cáo người tiêu dùng hãy tham khảo thông tin về công ty cung cấp, chất lượng sản phẩm chăm sóc da mặt.

Đó là tra cứu thông tin về bộ sản phẩm, về hoạt động của công ty liên quan trên Internet hoặc hỏi thông tin qua người thân, bạn bè... trước khi quyết định mua.

Vội vàng ký hợp đồng, người tiêu dùng không biết nội dung ký kết thường mang lại bất lợi cho mình. Ảnh minh họa.

Trong trường hợp quyết định mua, người tiêu dùng cần đọc kỹ hợp đồng mua hàng và hợp đồng trả góp, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến chính sách đổi trả, đến lãi vay và vấn đề thanh lý hợp đồng vay trước hạn.

"Trong trường hợp được nhân viên hối thúc hoặc có biểu hiện ngăn cản, không cho đọc kỹ nội dung các điều khoản của hợp đồng, người tiêu dùng cần cẩn trọng, kiên quyết từ chối ký hợp đồng", đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh. 

Cũng trong tháng 10 vừa qua, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục đã tiếp nhận 692 cuộc gọi đến. Trong đó, có 367 cuộc gọi được ghi nhận dưới dạng phản ánh, đề nghị của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục đã tiếp nhận 57 khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.

Theo thống kê, trong đó có tới 32% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về việc doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các điều kiện giao dịch như chính sách đổi trả hàng hóa, về mức lãi suất, về thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay…  

Nhiều người tiêu dùng do không để ý đến nội dung hợp đồng, chỉ nghe theo nội dung tư vấn của nhân viên nên đã ký hợp đồng mà không biết nội dung ký kết thường mang lại bất lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, 22% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về hợp đồng ký kết có các điều khoản không rõ ràng.

Có 20% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ, ngay cả trong trường hợp người tiêu dùng không có khoản vay tại đơn vị liên quan.

Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc thu nợ nhầm nhưng không được giải quyết triệt để.