Tôi 33 tuổi, còn vợ 32, là công chức nhà nước. Chúng tôi lấy nhau được 6 năm, có con gái 6 tuổi. Vợ tôi có quan hệ bất chính với hàng xóm và là bạn thân của tôi. Đến nay tôi đã phát hiện lần thứ 2. Lần đầu cách đây một năm, vợ tôi nhắn tin hẹn hò quan hệ, gọi nhau bằng vợ chồng, nhưng lại lừa tôi là quan hệ với người khác. Tôi đuổi vợ về nhà đẻ. Bố mẹ vợ xin lỗi tôi, vợ quỳ lạy xin tôi. Vì con gái tôi đã tha thứ. Tuy nhiên, tôi sai lầm khi lúc đó không truy đến cùng và không biết đó là thằng bạn hàng xóm, mà tin là người cô ấy nói.

Đến nay, tôi lại phát hiện vợ vẫn ngoại tình với thằng bạn hàng xóm. Lúc đầu cô ấy cũng chày cối khai tên người khác như lần trước. Giờ tôi đã đuổi vợ về quê, bắt cả 2 người bồ bịch quỳ xuống xin lỗi tôi và vợ người kia, viết giấy cam kết không quan hệ nữa. Gia đình vợ tôi cũng lên xin lỗi và xin cho cô ấy một cơ hội. Tuy nhiên tôi thấy bản thân cô ấy là người sống hưởng thụ, ít quan tâm, chăm lo cho gia đình, hai vợ chồng thường xuyên khúc mắc. Giờ tôi không biết nên làm sao, xin ý kiến tư vấn của chuyên gia và độc giả. Tôi rất thương con, nếu trong trường hợp ly hôn thì mong được quyền nuôi con. Trân trọng cảm ơn.

Ảnh minh họa

Mạnh

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:

Mạnh thân mến!

Lần đầu tiên vợ bạn ngoại tình có thể do nhẹ dạ, nhưng lần thứ 2 cô ấy phản bội là cố tình. Trong một vài trường hợp, vì còn tình cảm, vì con hay vì những lý do khác, người bạn đời chấp nhận tha thứ cho đối phương, nhưng để quên việc mình từng bị phản bội là chuyện không dễ dàng. Chưa kể, điều trọng yếu là người phản bội phải biết hối cải. Cũng giống như lần đầu tiên khi bạn quyết định tha thứ cho vợ, chính bản thân cô ấy phải có ý thức muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Không biết vợ chồng bạn đã xử lý lần “khủng hoảng” đầu tiên thế nào? Bạn có tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao vợ phản bội mình? Vì sao giấu giếm và khai tên người khác? Lúc đó vợ bạn xin lỗi là xuất phát từ sự tự nguyện, chân thành hay do bị bố mẹ ép buộc phải quỳ gối? Còn bạn có thẳng thắn nói rõ suy nghĩ, quan điểm của mình không? Rằng bạn muốn gì, cần gì, vì sao tha thứ và muốn giữ lại gia đình, những giới hạn cuối cùng của bạn… và hậu quả nếu tái phạm? Một vấn đề quan trọng nữa là sau khi đã tha thứ, bạn có bới móc sai lầm của vợ không hay vẫn luôn tạo điều kiện cho cô ấy thay đổi?

Đời người chẳng ai hoàn hảo, không bao giờ mắc lỗi, điều quan trọng là biết sửa sai. Trả lời hết những câu hỏi ở trên, bạn sẽ có định hướng giải quyết cho mình. Nếu lý do vợ đưa ra chỉ là ngụy biện, không nhận ra cái sai, không có hành động thể hiện sự hối lỗi dù bạn đã cố gắng tha thứ, không bới móc, vun vén thì việc mắc sai lầm lần thứ 2 là do bản tính của cô ấy. Cô ấy sẽ còn tiếp tục phản bội bạn lần thứ 3, thứ 4… nếu có cơ hội. Trong trường hợp này, chia tay có lẽ là giải pháp tốt nhất.

Về việc giành quyền nuôi con, theo luật bạn cần chứng minh với tòa khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc con. Trong đó bao gồm các yếu tố về tinh thần như: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của bạn để bồi dưỡng, dạy dỗ con tốt nhất. Ngoài ra còn có các yếu tố vật chất như: điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt mà bạn dành cho con. Tòa sẽ dựa trên thu nhập trung bình hàng tháng, tài sản, cũng như chỗ ở của bạn để làm căn cứ xác định những điều kiện vật chất ấy có phù hợp với con hay không.

Bạn cũng có thể chứng minh việc vợ ngoại tình, lối sống hưởng thụ, ít quan tâm gia đình của cô ấy có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của con gái. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ dựa trên sự thật và lợi ích thực sự của con. Nếu có thể, vợ chồng bạn đừng cố gắng tranh giành, mà nên ngồi lại nghiêm túc bàn bạc với nhau xem con ở với ai là tốt nhất. Xét cho cùng ly hôn là chuyện của người lớn, nhưng con trẻ lại là đối tượng phải chịu thiệt thòi đầu tiên. Hãy cố gắng làm sao để giảm bớt tổn thương và không để lại bóng ma tâm lý trong lòng bé.

Chúc bạn bình tĩnh và có quyết định sáng suốt.