Cơ duyên vợ chồng chung lá gan

Cách đây hơn 3 năm, anh T.V.V (40 tuổi) có dấu hiệu mệt mỏi, vàng da, sụt cân, mắt quầng và biếng ăn. Khi đi thăm khám, các bác sĩ phát hiện anh V. bị viêm gan siêu vi B. Mặc dù đã điều trị tích cực nhưng tình hình sức khoẻ anh V. ngày càng yếu đi. Cách đây khoảng 1 năm, khi đi kiểm tra sức khoẻ, anh V. như sụp đổ khi bác sĩ báo tin bệnh của anh đã chuyển sang giai đoạn ung thư.

Vợ chồng anh lại tiếp tục bỏ tiền chạy chữa nhưng cũng chỉ duy trì kéo dài sự sống nếu không được ghép tạng. Điều khó khăn nhất là lấy đâu ra gan để ghép. Muốn ghép gan phải tìm được nguồn hiến tặng và đáng nói hơn, nguồn tạng hiến phải có sự tương thích với người nhận thì khi ghép mới không bị đào thải.

Gia đình anh V. (anh V., vợ và 2 con) vui mừng khi ca ghép gan thành công.

Chờ một tháng, hai tháng rồi nửa năm, nguồn cho thì không thấy mà bệnh tình anh V. ngày càng nghiêm trọng; bụng to lên, da vàng rõ…

May mắn thay, trong một lần đi khám, bác sĩ phát hiện ra chị Trương K.H (33 tuổi – vợ anh V.) lại có chung nhóm máu với chồng. Một ý kiến táo bạo được đưa ra, chị H. nhờ bác sĩ kiểm tra xem việc chị hiến gan cho chồng có được không.

"Khi đó mình nghĩ, nếu cứu được anh ấy thì mình sẽ còn người sẻ chia những năm tháng vợ chồng. Gia đình vẫn còn đủ 4 người, hai đứa con nhỏ cần có bố...

Và khi nghe bác sĩ báo lại, kết quả xét nghiệm của mình và chồng có nhiều điểm tương thích. Có thể tặng một phần lá gan cho chồng, mình đã gật đầu đồng ý.

Thực tình thì mình cũng lo, bởi việc hiến gan cũng là một phẫu thuật lớn; chưa kể kết quả chưa biết thế nào, hai đứa con còn thơ dại... Rồi nghĩ tới việc anh ấy chỉ sống được chừng 6 tháng đến 1 năm, mình xót xa. Những ngày chờ kết quả xét nghiệm, chờ đến khi anh ấy được ghép là mình nóng ruột.

Nhờ trời, nhờ các y bác sĩ vậy là mọi chuyện đã tốt đẹp. Giờ thì mình vui lắm", chị H. kể.

Bác sĩ bệnh viện ĐHYD TP.HCM chia vui cùng gia đình anh V., chị H.

Ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Người nhận gan là bệnh nhân T.V.V (40 tuổi), bị viêm gan B, xơ gan và ung thư gan, đã điều trị nhiều năm nhưng tình trạng xơ gan ngày càng diễn tiến xấu. Nếu không được thay lá gan mới, thời gian sống còn từ 6 tháng đến 1 năm. Người cho gan là chị H. 33 tuổi (vợ bệnh nhân V.), có các yếu tố tương thích.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, giữa tháng 6 vừa qua, ê kíp gồm 11 chuyên gia ghép gan đến từ Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc) cùng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược (tổng cộng gần 50 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…) tiến hành ca phẫu thuật cắt gan và ghép gan cho bệnh nhân V. và người cho gan.

"Để thực hiện ca ghép gan này, bệnh viện đã chuẩn bị thật kỹ về chuyên môn, trang thiết bị…, để đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật ghép tạng và đảm bảo sự thành công ngay từ ca ghép đầu tiên.

Cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ và đã ghép thành công. Sau mổ, sức khỏe người cho và nhận gan đã ổn định", PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.

Theo TS.BS Trần Công Duy Long (Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy của bệnh viện), một phần lá gan của chị H. được cắt ra, tạo hình và ghép thành công vào cơ thể anh V. Sau khi phẫu thuật một tuần, sức khoẻ chị H. đã ổn định, phục hồi lại gần như bình thường. Bản thân chị H., sau xuất viện đã ở lại bệnh viện chăm sóc chồng thêm 4 tuần. Hiện tại, sức khỏe anh V. cũng tiến triển tốt và được cho xuất viện.

Bác sĩ đang ghép 1/2 là gan của người vợ hiền tặng cho chồng.

TS.BS. Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vì gan có khả năng tái sinh bù trừ nên phần gan còn lại trong cơ thể người vợ sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể và đảm bảo sức khỏe chị không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan.