Vợ chồng tôi lấy nhau được 4 năm và có một bé trai 3 tuổi. Hôm qua, 2 vợ chồng cãi nhau to, đến trưa hôm nay thì chuyển sang chiến tranh lạnh. Tối đó, chồng tôi giặt và phơi quần áo, vì ở riêng nên chúng tôi luôn hỗ trợ nhau việc nhà. Hôm sau đó, tôi lấy luôn đồ lót đang treo ngoài hiên để thay, vừa mặc xong tôi thấy nóng ran nên vội cởi ra kiểm tra, mặt trái quần bị xát đầy ớt và chiếc quần đó không phải của tôi. Thế là vợ chồng tôi cãi nhau, chồng bảo tôi dựng chuyện để kiếm cớ gây chuyện. Nhưng nhà ngoại tôi đang có tang, công việc bận rộn, làm gì còn tâm trạng nghĩ ra mấy chuyện đó. 

Tôi nghĩ có thể chồng gái gú bên ngoài, cô ta cố tình nhắc nhở tôi hoặc có kẻ ghen ăn tức ở, muốn phá hoại gia đình tôi. Tôi chỉ định hỏi chồng về chiếc quần xem thái độ thế nào, vậy mà anh làm ầm lên. Điều buồn nhất là mỗi lần cãi nhau, anh đều gọi điện thoại về cho mẹ đẻ tôi kể lể và trách cứ. Tôi thấy hành động đó thật thiếu suy nghĩ, lẽ ra vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau mới phải. Liệu một người chồng như thế có đáng để tôi gửi gắm không? Bây giờ tôi nghĩ tới trường hợp xấu nhất là ly dị vì thực sự cảm thấy không còn tôn trọng chồng. Rất mong chuyên gia và bạn đọc cho tôi lời khuyên chân thành nhất. Tôi xin cảm ơn.

Hiền

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:

Chị Hiền thân mến,

Chị thử ngẫm lại xem, trong đời sống hằng ngày, chị có gây mích lòng hàng xóm láng giềng, hoặc vợ chồng chị có làm gì để người khác cảm thấy bị tổn thương hay gây thù chuốc oán với ai bên ngoài không? Đôi khi chị vô tình làm ảnh hưởng tới người khác mà không biết hoặc không nhận ra.

Nếu chị vẫn không tìm ra đối tượng khả nghi thì còn một cách suy đoán nữa đó là tình địch của chị, chỉ có sự ghen tuông nhỏ nhen mới nghĩ ra những việc trả đũa như vậy. Thay vì làm ầm ĩ với chồng, sao chị không ngồi lại cùng anh bàn bạc cách để tìm ra đối tượng đó là ai? Khi quyết định phản ứng, nhất là phản ứng trong đời sống vợ chồng, chị nên cân nhắc cách nào cho hiệu quả nhất. Chị ngẫm xem nếu sự thật chồng có tình ý với ai đó bên ngoài, thì anh có dễ dàng thú nhận với chị không? Cho nên trong tình huống như vậy, nếu chị đóng vai là nạn nhân để kéo chồng về cùng phía với mình mà xử lý vấn đề thì có lẽ sẽ lợi hơn nhiều.  

Qua thư tôi thấy chồng chị thiếu tính phóng khoáng quảng đại của đàn ông và hay chấp nhặt, than phiền với ba mẹ chị. Điều này cho thấy anh hơi thiếu tự tin vào bản thân, nên mới kéo ba mẹ vợ vào cuộc, mong ông bà dùng quyền lực cha mẹ giúp hai vợ chồng giải quyết. Anh chỉ nghĩ tới cái lợi là giải quyết được mâu thuẫn vợ chồng mà không biết đã gây cho chị sự bực bội, buồn phiền…

Tuy nhiên, với tính cách như vậy chưa đến mức khiến chị phải nghĩ tới việc ly hôn, vì sự chia ly ảnh hưởng rất lớn lên đời sống tâm lý của con. Chị hãy cùng chồng ngồi lại, chia sẻ những điều cả hai không hài lòng về nhau. Làm được điều này đòi hỏi cả hai phải bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe nhau, đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu tại sao đối phương lại hành xử như vậy. Đặc biệt, chị hãy nói lên cảm xúc của mình, mong muốn chồng sống và hành xử với mình ra sao để chị giữ được sự tôn trọng với anh. Như vậy cuộc hôn nhân mới có thể duy trì bền vững, ngược lại chị sẽ dễ chán nản và buông tay. Đôi khi chị cũng nên cảnh báo cho đối phương biết những đều cấm kỵ trong suy nghĩ và cảm xúc của mình để họ kịp thời điều chỉnh.       

Chuyện lần này không thể bỏ qua dễ dàng, bởi đó là dấu hiệu bất thường trong các mối quan hệ của vợ chồng chị, và chị hãy giải thích cho chồng hiểu tầm quan trọng của việc này. Nếu anh cứ làm ầm ĩ, không chịu đối mặt để giải quyết thì chị có thể mời cha mẹ hai bên cùng nói chuyện với hai vợ chồng. Trong trường hợp chồng chị vẫn tiếp tục giấu diếm, không chịu hợp tác, chị nên thử theo dõi mọi hoạt động của chồng xem có vấn đề gì không rồi mới có thể tính tiếp được. Chúc chị bình tĩnh và sáng suốt.