Người xưa có câu: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Gặp gỡ nhau giữa biển người mênh mông, quen biết, yêu thương và đi đến kết hôn, nhất định đều là duyên phận. Đó là mối lương duyên kỳ lạ nhất trong đời.

Sau khi kết hôn, nhiều người trong chúng ta mới bàng hoàng nhận ra rằng cuộc sống hôn nhân có quá nhiều khó khăn, thử thách và không nhiều “màu hồng” như trên phim ảnh hay tiểu thuyết ngôn tình.

Kết hôn xong với thấy... khập khiễng?

Thực ra, câu chuyện ly hôn vì “không hợp nhau” ngày nay không hiếm. Không hợp là cụm từ chung chung. Nó có thể là sự khác biệt về sở thích, suy nghĩ, hành động, cách nhìn nhận từ một phía…. dẫn đến những xung đột, cãi vã.

Suy nghĩ và hành động của mỗi người không giống nhau. Đôi khi chính chúng ta còn không hòa hợp được với cha mẹ, mặc dù cha mẹ chính là người sinh mình ra, nuôi lớn mình và cũng là người hiểu rõ tính cách của mình nhất. Thế nhưng, hai người xa lạ gặp nhau, đến với nhau trở thành vợ chồng và có những bất đồng cũng là lẽ thường tình.

Nhưng ông bà ta còn có câu: “Bát đũa còn có lúc va chạm huống gì vợ chồng sống chung mà không cãi vã”. Quan trọng là khi vợ chồng về chung sống với nhau phải biết bảo ban, tâm tình, nhường nhịn nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Không phải chỉ một chút bất đồng rồi mang ra cãi vã. Cũng như câu “cơm sôi thì bớt lửa”, nếu lúc chồng nóng tính thì người vợ nên nhẫn nhịn một chút, khi vợ to tiếng thì chồng nên tìm cách 'hạ nhiệt'. Có như thế đời sống vợ chồng mới không xảy ra những lần cãi nhau lớn tiếng.

Đôi khi chuyện không hòa hợp dẫn đến ly hôn còn xảy ra ở chuyện “chăn gối”. Đây việc rất quan trọng để giữ lửa hạnh phúc gia đình. Không ít các cặp đôi ngoại tình cũng chỉ vì nửa kia không đáp ứng đủ nhu cầu sinh lý. Họ cảm thấy thiếu thốn và muốn tìm thêm ở bên ngoài. Đây tuy là vấn đề khá tế nhị nhưng cũng dẫn đến ly hôn của rất nhiều gia đình.

Ảnh minh họa: Internet

Vợ chồng 'không hợp'có nên sống vì con?

Câu hỏi này khiến cả hai người đều phải đau đầu suy nghĩ. Vợ chồng không hợp nhau liệu có cách nào hàn gắn và tiếp tục mối quan hệ hôn nhân hay ly hôn là giải pháp duy nhất.
Lúc này ly hôn không chỉ là việc của hai người nó còn liên quan đến thể diện của hai bên gia đình nội ngoại, đến phân chia tài sản và đặc biệt là có thể ảnh hưởng đến tâm lý con cái.

Nhiều chị em than vãn, chồng tệ bạc, đánh đập, chửi mắng… nhưng có nên vì con mà không ly hôn? Đây cũng là tâm lý bình thường và dễ hiểu nhất là ở Việt Nam. Khi người phụ nữ luôn hy sinh cho chồng con, luôn nhẫn nhịn chịu đựng cũng chỉ vì… con. Họ không muốn để con bị tổn thương về tinh thần và lo sợ bố mẹ sẽ “mất mặt” với họ hàng.

Tuy nhiên phụ nữ cũng nên tỉnh táo suy nghĩ, nếu như con cái đang ở độ tuổi phát triển lại sống trong gia đình không hạnh phúc, hàng ngày chứng kiến cảnh cha đánh đập, chửi bới mẹ, rồi phải chịu sự ghẻ lạnh của người cha, đứa trẻ lúc này có thực sự hạnh phúc?

Phải chăng khi đã quá sức chịu đựng người phụ nữ nên biết kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thay vì phải gồng mình chịu đựng để rồi người đau khổ nhất lại chính là họ và những đứa trẻ.