Diễn đàn An toàn thực phẩm quốc tế lần thứ 7 là nơi các chuyên gia của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu gặp gỡ và thảo luận vì sao các doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ về an toàn thực phẩm.

Với chủ đề “Thực phẩm an toàn hơn, kinh doanh tốt hơn”. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam, nơi ngành thực phẩm có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 15%, nằm trong số các thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á.

Song, việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn phù hợp sẽ có thể cản trở sự tăng trưởng bền vững của ngành làm giảm các cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm an toàn thực phẩm tại diễn đàn

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Việt Nam là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, năm 2017 giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam lên tới hơn 18 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bị thiệt hại khoảng 700 triệu USD mỗi năm do vấn đề mất an toàn thực phẩm”.

Thực phẩm không an toàn không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng mà còn làm mất đi hình ảnh, thương hiệu của quốc gia. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có những chiến lược phù hợp, có thể áp dụng kinh nghiệm thực tế của một số nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần lưu ý kiểm soát chặt hơn nữa thị trường thực phẩm nội địa bởi thực tế cho thấy đã có sự gia tăng rõ rệt của tầng lớp trung lưu trong những năm gần đây – những người có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ở trong nước. Vị Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam chia sẻ.

Thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng sức khoẻ và thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu USD/năm

Đồng tình với quan điểm này, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Deheus Châu Á- doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hà Lan cho rằng, trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam hầu như chỉ chú trọng vào xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, thị trường trong nước không ngừng lớn mạnh, người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên khó tính hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Nhu cầu về thực phẩm an toàn trở nên bức thiết bởi người tiêu dùng Việt Nam cũng muốn biết rõ về nguồn gốc thực phẩm tương tự người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển.

Điều này có nghĩa Việt Nam cần kiểm soát chặt hơn các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ các đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn. Đây chính là những đối tác quan trọng mà Chính phủ cần chú ý nhằm giúp giải quyết nhu cầu của người tiêu dùng.

Chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết, an toàn thực phẩm được xây dựng thành văn hóa, trách nhiệm đối với tất cả mọi người, kể cả doanh nghiệp lẫn người nông dân và người tiêu dùng.

Mỗi khi có sự cố về an toàn thực phẩm, người cung cấp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bị xử lý rất nặng nề. New Zealand cũng sẵn sàng khen thưởng cho doanh nghiệp làm tốt vấn đề an toàn thực phẩm. Như vậy, chìa khóa để xây dựng danh tiếng cho thực phẩm của mỗi quốc gia là các quy định pháp luật và khoa học - đây là 2 yếu tố quan trọng để các nhà quản lý có thể kiểm soát về an toàn thực phẩm.