Viêm màng não ở trẻ em: Bệnh lý cực kỳ nguy hiểm
Nội dung bài viết:
Cấu tạo của màng não
Chức năng của màng não là bao quanh và bảo vệ não bộ, tủy sống và phần đầu của các dây thần kinh sọ não. Màng não được cấu tạo gồm có 3 lớp:
Màng cứng (dura mater): Đây là lớp màng có độ dày lớn nhất trong 3 lớp màng, nằm ở ngoài cùng, dính chặt vào mặt trong xương sọ. Đây là một trong số ít cấu trúc của hộp sọ có khả năng cảm thấy đau, trong khi não bộ không cảm nhận được cảm giác này.
Màng nhện (arachnoidea): Đây là một màng mỏng nằm sát với mặt trong của màng cứng, giúp bảo vệ não và tủy sống khỏi các tác động bất ngờ. Màng nhện được cấu tạo bởi mạng lưới các sợi và collagen gồm những sợi lỏng lẻo.
Màng nuôi hay còn gọi là màng mềm (pia mater): Là lớp trong cùng, bao bọc não và tủy sống. Màng nuôi có rất nhiều mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến tủy sống. Giữa màng nhện và màng nuôi có khoang dưới nhện chứa dịch não tủy.
Nguyên nhân bệnh viêm màng não ở trẻ em
Có đến 90% các trường hợp viêm màng não ở trẻ em là do các nguyên nhân sau:
Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae týp B)
Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ không được chủng ngừa. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em trong khoảng từ 1 – 3 tuổi.
Bệnh viêm màng não trẻ em do vi khuẩn Hib chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp. Khi mắc bệnh, thời gian ủ bệnh thường dưới 10 ngày. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao và thường xảy ra trong những ngày đầu tiên.
Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)
Đây chính là nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng nặng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết và cả viêm màng não. Hiện nay, việc điều trị bệnh viêm màng não ở trẻ em do phế cầu khuẩn gây ra ngày càng khó khăn bởi việc sử dụng kháng sinh không còn hiệu quả do tình trạng kháng thuốc.
Não mô cầu (Neisseria meningitidis)
Não mô cầu có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau tại nhiều cơ quan trong cơ thể người. Tuy nhiên, hai bệnh thường gặp và quan trọng hơn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Viêm màng não trẻ em do mô cầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 1 - 10 ngày.
E.Coli
E.Coli là nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, rất ít gặp trường hợp mắc viêm màng não mủ do E.Coli ở trẻ lớn và người lớn. Bệnh có thể gây nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, tỷ lệ tử vong rất cao.
Listeria monocytogenes
Vi khuẩn Listeria monocytogenes ẩn chứa trong các thực phẩm tươi sống và thịt sữa. Người bị suy giảm miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ sơ sinh, người có sức khỏe yếu... là đối tượng dễ mắc viêm màng não mủ do Listeria monocytogenes.
Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ
Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ em không điển hình. Một số dấu hiệu nhận biết như:
- Chán ăn, bú kém, giảm cữ bú và lượng bú mỗi cữ
- Mệt mỏi, vận động chậm
- Quấy khóc, dỗ không nín, đôi lúc khóc thét lên
- Vô cảm và thờ ơ với mọi thứ xung quanh
- Sốt cao hoặc thân nhiệt lạnh
- Những cơn ngừng thở đột ngột
- Bị vàng da hoặc da xanh tái, nhợt nhạt
- Co giật
- Thóp phồng
- Sốc, tăng kích thích
- Giảm trương lực cơ
- Hạ đường huyết
Triệu chứng viêm màng não ở trẻ em
Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ lớn điển hình hơn so với các triệu chứng ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Sốt cao
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn
- Đau đầu dữ dội
- Cứng cổ
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Quấy khóc, có tư thế ưỡn người
- Với trẻ thóp chưa đóng kín sẽ có dấu hiệu thóp phồng
- Sợ ánh sáng
- Suy giảm ý thức, dễ bị kích thích
- Các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc
- Hôn mê hoặc co giật
Biến chứng của bệnh viêm màng não ở trẻ em là gì?
Các biến chứng sớm
- Tổn thương não bộ, tổn thương các dây thần kinh sọ não: dây II, III, IV...
- Viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não...
- Áp xe não, áp xe dưới màng cứng...
- Não úng thủy do tắc nghẽn dịch não tủy
- Bại não
- Các biến chứng ngoài hệ thần kinh như: viêm khớp, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết phủ tạng....
Các biến chứng muộn
- Gặp các vấn đề về thính lực và thị lực như: điếc, mù, lác, hội chứng não nước...
- Chậm phát triển vận động và trí tuệ
- Liệt chân tay hoặc liệt nửa người
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: trí nhớ giảm sút, rối loạn tâm thần
- Động kinh
- Tử vong do viêm màng não mủ
- Viêm màng não ở trẻ em gây tử vong do suy hô hấp nặng, phù não, các biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não, biến chứng viêm phổi, viêm thận nặng, trạng thái mất não, suy não… Kể cả khi phát hiện bệnh sớm và can thiệp ngay lập tức thì tỷ lệ tử vong do viêm màng não mủ vẫn rất cao.
Viêm màng não ở trẻ em có chữa được không?
Nếu trẻ phát triển khỏe mạnh, có hệ miễn dịch tốt thì khi màng não bị viêm, cơ thể của trẻ có thể sản xuất ra đủ lượng kháng thể để chống lại bệnh. Trong đa số các trường hợp, trẻ có thể phải nhập viện trong vài ngày để bác sĩ theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, đặc biệt là với các trẻ nhỏ.
Điều này giúp các bác sĩ kịp thời ngăn ngừa các biến chứng xấu có thể xảy ra như tổn thương não, mất thính lực, động kinh, giảm khả năng học tập…
Nếu nguyên nhân khiến trẻ bị viêm màng não là do vi khuẩn, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng một số loại kháng sinh mạnh. Với trẻ sơ sinh, các bé thường phải nằm viện điều trị trong 2 tuần.
Viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán sớm trong giai đoạn đầu khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện thì khả năng chữa khỏi bệnh khá cao, khoảng 85%. Điều này giải thích vì sao các bác sĩ thường khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu nghi ngờ bé bị viêm màng não.
Thực tế, viêm màng não là bệnh rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, bạn cần quan sát kỹ những biểu hiện khác thường ở bé nhằm phát hiện các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đưa con đi khám trước khi bệnh có dấu hiệu trở nặng.
Phân biệt viêm não và viêm màng não
Viêm não là tình trạng các tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào não. Hai nguyên nhân thường gặp là siêu vi gây viêm não Nhật Bản và siêu vi đường ruột HIB. Viêm màng não là viêm màng mềm, các tác nhân gây bệnh tấn công vào màng mềm, khi bệnh trở nặng mới ảnh hưởng đến não.
Biểu hiện của viêm màng não ở trẻ em: trẻ sốt cao nhiều ngày không hạ, đau đầu, mệt mỏi, nôn, cổ cứng, táo bón... Trẻ nhỏ dưới 12 tháng bị viêm màng não có thể thấy triệu chứng thóp phồng.
Biểu hiện của viêm não ở trẻ em: sốt cao, đau đầu, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân cử động khó, chậm chạp, người lừ đừ, lơ mơ, chân tay run, co giật, hôn mê, liệt nửa người...
Phòng bệnh viêm màng não ở trẻ em
Đa phần các nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não lây lan dễ dàng qua các hoạt động thường ngày như ho, hắt hơi, hôn hoặc ăn chung, dùng chung đồ đạc… Chính vì vậy, để ngăn ngừa bệnh viêm màng não cho trẻ, bạn nên:
Tập cho bé có thói quen rửa tay thường xuyên.
Con được nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng tốt nhằm tăng cường hệ miễn dịch.
Chỉ cho trẻ ăn thức ăn nấu chín hoặc đã được tiệt trùng, với trái cây, bạn nên cho bé ăn trái cây đã được rửa kỹ lưỡng.
Dạy trẻ cách che miệng khi ho, hắt hơi. Tập cho bé thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài.
Dạy trẻ không nên ăn đồ ăn, sử dụng chung dụng cụ để ăn với người khác.
Tiêm vaccine: vaccine viêm màng não mủ do Hib (Haemophilus influenzae loại B – Hib), vaccine phế cầu khuẩn (PCV13), Pneumococcal polysaccharide (PPSV23), vaccine não mô cầu…
Tóm lại, viêm màng não ở trẻ em là một bệnh lý rất nguy hiểm cho sự sống của trẻ. Bệnh có tỷ lệ biến chứng đến hệ thần kinh rất cao. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là yếu tố cốt lõi để tiên lượng cho trẻ sau này. Ngoài ra, các nguyên nhân gây bệnh viêm màng não cũng có thể được phòng ngừa bằng chủng ngừa, vì vậy cha mẹ bé nên chủng ngừa cho con đầy đủ nhất có thể để phòng ngừa không chỉ viêm màng não mà cả các bệnh nhiễm trùng khác.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....