Viêm lợi là khi lợi bị sưng đỏ, dễ chảy máu, nhất là khi đánh răng. Có thể thấy xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như hôi miệng, ngứa và đau lợi.

Lợi bị sưng là do lượng máu dồn lên miệng tăng. Không chỉ sưng, đôi khi lợi của bạn cũng có thể nổi lên những cục u nhỏ lành tính, nhưng sẽ chảy máu mỗi khi đánh răng. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm. Loại u hạt này được gọi là khối u mang thai hoặc u hạt sinh mủ nhưng u hạt này không đau và vô hại.

U hạt này có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng thường xuất hiện ở miệng nhiều hơn và ở ngay chính chỗ lợi viêm. Thông thường u hạt sẽ tự mất sau khi sinh bé, nhưng nếu không tự mất thì cần thực hiện một cuộc tiểu phẫu để cắt nó đi.

Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân gây viêm lợi có thể do vi khuẩn phát triển trong mảng bám răng (một màng mỏng, bám vào bề mặt răng, thành phần gồm vi khuẩn, chất nhầy và vụn thức ăn); do thay đổi các hormon trong thời kỳ thai nghén làm giảm khả năng miễn dịch của lợi đối với vi khuẩn nên khiến lợi trở nên nhạy cảm hơn với những vi khuẩn trong mảng bám. Mức độ viêm lợi nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tình trạng lợi của bạn trước lúc mang thai.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai bị viêm lợi nặng có thể làm tăng nguy cơ sinh non và tiền sản giật. Tuy nhiên, thực tế những biến chứng của thai kỳ không liên quan gì đến bệnh răng miệng. Dù vậy thì vấn đề chăm sóc răng miệng trong thời kỳ mang thai vẫn rất quan trọng. Nếu bệnh viêm lợi không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh nha chu (viêm quanh răng), khi đó sự viêm nhiễm sẽ đi qua lợi vào đến tận xương và các mô khác hỗ trợ xung quanh răng. Nếu đã mắc viêm lợi, bạn cần đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.