Viêm kết mạc trẻ sơ sinh là gì?

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng, gây kích thích phần màng trong suốt có hệ thống mạch máu phủ lên lòng trắng và bên trong mí mắt của trẻ sơ sinh. Đây là một vấn đề khá phổ biến, nguyên nhân và triệu chứng nghiêm trọng nhất trong số đó là do vi khuẩn Lậu gây ra.

Triệu chứng viêm kết mạc trẻ sơ sinh

Nếu phần lòng trắng của một hoặc cả hai mắt – nơi gần với mí mắt của trẻ sơ sinh có màu đỏ thì rất có thể con bạn đang bị viêm kết mạc.

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng - Ảnh minh họa: Internet

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động cố gắng chống lại nhiễm trùng, mắt của bé có thể chảy nước mắt, chảy gỉ nhiều và cảm giác khó chịu.

Nếu nhận thấy các triệu chứng bên trên, ngay lập tức bố mẹ cần cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa (tốt nhất là bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa mắt) để được khám và điều trị kịp thời.

Điều quan trọng là phải nhanh chóng điều trị tránh việc lây lan, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của việc nhiễm trùng ảnh hưởng đến mí mắt và các mô mắt xung quanh.

Ngoài ra, việc mắt đỏ nhẹ và mí mắt sưng tấy có thể chỉ là triệu chứng của viêm kết mạc tạm thời do mắt trẻ sơ sinh bị bẩn hoặc tiếp xúc với các chất bẩn.

Các loại viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Viêm kết mạc do Chlamydia

Chlamydia trachomatis có thể gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh và nhiễm trùng sinh dục. Phụ nữ nhiễm vi khuẩn Chlamydia không được điều trị trước khi sinh có thể lây truyền cho bé.

Các triệu chứng của viêm kết mạc do Chlamydia gồm: Đỏ mắt, sưng mí mắt và chảy gỉ mắt dạng mủ, xuất hiện từ 5 đến 12 ngày sau khi sinh. Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc Chlamydia cũng bị nhiễm trùng ở các bộ phận khác cơ thể. Vi khuẩn có thể lây nhiễm sang phổi và vòm họng.

Viêm kết mạc do lậu cầu

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động, mắt của bé có thể chảy nước mắt, chảy gỉ mắt - Ảnh minh họa: Internet

Neisseria gonorrhoeae gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh, hay còn gọi là viêm kết mạc lậu cầu. Phụ nữ bị bệnh lậu không điều trị và can thiệp có thể truyền vi khuẩn cho bé trong quá trình sinh nở.

Các triệu chứng thường gồm mắt đỏ, gỉ mắt dạng mủ đóng dày và sưng mí mắt. Viêm kết mạc loại này thường bắt đầu từ 2 - 4 ngày sau khi sinh, có thể đi kèm với nhiễm trùng máu, viêm não - màng não.

Viêm kết mạc do dị ứng thuốc nhỏ mắt

Các triệu chứng dị ứng thuốc nhỏ mắt thường gồm mắt đỏ nhẹ - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ sơ sinh được nhỏ thuốc nhỏ mắt giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn, mắt có thể bị kích thích, có phản ứng dị ứng. Các triệu chứng dị ứng thuốc nhỏ mắt thường gồm mắt đỏ nhẹ, một số trường hợp sưng mí mắt. Các triệu chứng này có thể kéo dài chỉ trong 24 đến 36 giờ.

Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus khác

Virus và vi khuẩn khác ngoài 2 loại trên có thể gây viêm kết mạc khá nhiều. Ví dụ, vi khuẩn sống trong âm đạo của mẹ và không lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm kết mạc.

Ngoài ra, các loại virus gây ra mụn rộp sinh dục và miệng cũng có thể gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh và làm tổn thương mắt nghiêm trọng. Người mẹ có thể truyền virus này cho con trong khi sinh.

Viêm kết mạc do virus Herpes thì ít phổ biến hơn do Lậu và Chlamydia gây ra. Các triệu chứng bao gồm mắt đỏ và mí mắt bị sưng, một số trường hợp có đi kèm với mủ mắt.

Cách điều trị bệnh viêm kết mạc ở trẻ em

Trước đây, cách chữa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh chủ yếu là dùng Bạc nitrat nhưng hiện nay đã chuyển sang các loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh thay thế. Viêm kết mạc sơ sinh do nhiễm trùng vi khuẩn gây ra có thể được điều trị, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và nguyên nhân gây bệnh.

Viêm kết mạc sơ sinh do nhiễm trùng vi khuẩn gây ra có thể được điều trị khỏi - Ảnh minh họa: Internet

Một số tình trạng nhẹ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh như thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt. Điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh nếu bệnh nặng có thể kết hợp thuốc nhỏ tại chỗ, kháng sinh đường uống, tiêm tĩnh mạch.

Rửa mắt bị nhiễm trùng bằng dung dịch nước muối sẽ giúp loại bỏ gỉ mắt dạng mủ bị tích tụ và một phần tác nhân gây bệnh.

Viêm kết mạc do tắc tuyến lệ có thể được điều trị bằng cách massage nhẹ nhàng vùng giữa mắt và mũi. Nếu bệnh không hết sau 1 tuổi, có thể cần phải được can thiệp bằng thủ thuật thông lệ đạo...

Với từng nhóm nguyên nhân virus hay vi khuẩn gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh có những cách điều trị đặc hiệu riêng.

Điều trị viêm kết mạc do Chlamydia

Thường dùng thuốc kháng sinh uống như Erythromycin. Không thể chỉ điều trị tại chỗ vì không loại bỏ được các vi khuẩn trong mũi hầu của trẻ, những vi khuẩn này có thể gây viêm phổi nguy hiểm.

Hiệu quả điều trị của Erythromycin toàn thân đạt là khoảng 80% nên thường phải kết hợp với kháng sinh tại chỗ như thuốc mỡ Erythromycin.

Điều trị viêm kết mạc do Lậu cầu

Tra thuốc vào mắt trẻ sơ sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

Thường kết hợp với nhỏ thuốc, tra thuốc tích cực, tình trạng nặng nên cân nhắc dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch để điều trị. Nếu không được điều trị tốt, trẻ có thể bị loét giác mạc và dễ dẫn đến mù lòa.

Điều trị viêm kết mạc do dị ứng thuốc nhỏ mắt

Ngưng sử dụng thuốc, đổi thuốc cho trẻ, trẻ thường sẽ khỏe hơn sau từ 24 đến 36 giờ, đồng thời kết hợp với chăm sóc bằng thuốc dưỡng mắt.

Điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn và virus khác

Viêm kết mạc do vi khuẩn dùng thuốc kháng sinh phù hợp ở dạng thuốc nhỏ hoặc thuốc mỡ để điều trị, có thể xem xét tới kháng sinh tại chỗ nếu có nhiễm khuẩn thứ phát ở các trường hợp dị tật bẩm sinh.

Các viêm kết mạc do virus thì điều trị chủ yếu là hỗ trợ giảm kích ứng bằng thuốc chống viêm, dùng các thuốc bôi trơn bảo vệ nhãn cầu.

Việc điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh hầu hết không quá phức tạp, điều quan trọng là cha mẹ cần sớm phát hiện và đưa trẻ đi khám. Nếu trẻ sơ sinh có bất cứ triệu chứng nào nghi của viêm kết mạc, hãy đưa ngay tới bệnh viện mắt hoặc chuyên khoa nhi để khám.

Phòng ngừa viêm kết mạc sơ sinh

Phòng ngừa viêm kết mạc cho trẻ sơ sinh theo đúng hướng dẫn của các khuyến cáo để bảo vệ mắt bé - Ảnh minh họa: Internet

Để phòng ngừa, trước đây, Bạc nitrat cùng thường được sử dụng. Bạc nitrat là một chất hoạt động bề mặt, làm bất hoạt các vi khuẩn lậu cầu. Nhưng sau này, rất nhiều nghiên cứu cho thấy Bạc nitrat được cho là độc với kết mạc, có khả năng gây ra viêm kết mạc hóa ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, hiện nay đã được thay thế bằng những thuốc kháng sinh nhỏ mắt như là Erythromycin.

Theo RedBook 2012, Erythromycin 0,5% và Tetracycline 1% có hiệu quả tương đương nhau trong dự phòng nhiễm trùng mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh. Bạc nitrat, Povidone iodine và Erythromycin đều có hiệu quả trong phòng ngừa viêm kết mạc không do lậu cầu và Chlamydia ở trẻ sơ sinh. 

Không có thuốc có hiệu quả trong việc ngăn sự lây truyền C. trachomatis từ mẹ sang con. Đây là điểm khác biệt so với RedBook 2009, trong đó cho rằng Erythromycin, bạc nitrat có thể phòng ngừa sự lây truyền này.

Dung dịch povidone – iodine 2.5% có hiệu quả trong việc ngừa viêm mắt ở trẻ sơ sinh. Povidone – iodine được sử dụng rộng rãi ngoài Hoa Kỳ.

Bạc nitrat là tác nhân có hiệu quả tốt nhất trong phòng ngừa chủng N. gonorrhoeae tiết penicillinase.

Các khuyến nghị dự phòng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh trong RedBook 2012 như sau: 2 giọt bạc nitrat 1% hoặc thuốc mỡ kháng sinh (Erythromycin, Tetracycline) với lượng vừa đủ tạo lớp màng dày khoảng 1cm. Trong đó, Erythromycin được coi là tốt nhất để phòng ngừa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh vì có hiệu quả trên vi khuẩn lậu cầu, các mầm bệnh khác không do lậu cầu, Chlamydia và ít gây ra viêm kết mạc hóa.

Tổng kết lại, viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh phần lớn là do một số nguyên nhân chủ yếu gây ra với các biểu hiện đặc trưng cho từng tác nhân. Tuy nhiên, việc điều trị cần phải kịp thời để tránh biến chứng đến thị lực của bé.