Trẻ khóc nói lên điều gì?

Nhiều bậc cha mẹ luôn cảm thấy bối rối và thậm chí là khó chấp nhận việc con khóc và ăn vạ sau khi bị ám ảnh bởi những lời khuyên họ đã từng đọc hoặc nghe ở đâu đó.

Có khá nhiều lời khuyên trong sách vở cho rằng khóc lóc ăn vạ là những hành vi không nên được khuyến khích ở con trẻ.

Một số người thậm chí còn quy chụp rằng những biểu hiện này chính là dấu hiệu của một đứa trẻ hư hỏng muốn mọi thứ được như ý, trong khi số còn lại thì cho rằng đó chỉ là những hành vi non nớt mà trẻ cần học cách kiểm soát. 

Người ta luôn tin rằng ngay khi con đủ lớn để có thể nói chuyện cùng cha mẹ, thì nhiệm vụ của cha mẹ là giúp trẻ biểu hiện suy nghĩ, mong muốn và cảm xúc bằng lời nói chứ không phải bằng những giọt nước mắt hoặc những trận ăn vạ.

 
Trong khi nhiều người nhận thấy khóc là biểu hiện của sự căng thẳng và thất vọng ở trẻ, thì một số người lại cho rằng khóc là sản phẩm không cần thiết của sự căng thẳng, họ nghĩ trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu chúng ngừng khóc. Cũng chính vì quan niệm này mà nhiều người lớn luôn nỗ lực loại khiến trẻ khóc càng ít càng tốt.

Trái ngược với những suy nghĩ trên, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng khóc là biểu hiện tốt cho trị liệu mặt cảm xúc ở trẻ nhỏ, nhất là trong những tình huống liên quan đến sự mất mát.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã khẳng định, khóc là một phần quan trọng giúp trẻ hồi phục sau khi chịu đau khổ. John Bowlby - cha đẻ của thuyết gắn bó đã chỉ ra rằng việc chối bỏ những cảm xúc đau đớn của trẻ có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

Ông cũng tuyên bố trẻ nên được quyền bày tỏ nỗi đau của mình thông qua hành vi khóc lóc, giận dữ. Ngoài ra ông cũng cho rằng trẻ nên được thể hiện sự tức giận của mình với cha mẹ một cách thoải mái. 

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra ở đây, đó là cha mẹ nên phản ứng như thế nào khi con khóc lóc ăn vạ? Liệu chúng ta nên dỗ dành, làm ngơ, đánh lạc hướng, trừng phạt, nhượng bộ hay lắng nghe con với thái độ đồng cảm?

Bằng chứng đến từ nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khóc là quá trình sinh lý quan trọng và giúp con người ở mọi lứa tuổi đối phó với căng thẳng. Chính vì thế, thái độ chấp nhận và nuôi dưỡng là những phản ứng mà cha mẹ nên làm với trẻ.

Nghiên cứu nói gì về khóc?

Tiến sĩ William Frey -  nhà hóa sinh tại Minnesota sau khi tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học trong nước mắt con người đã tìm thấy hormone căng thẳng mang tên ACTH, và có lẽ khóc chính là hoạt động giúp loại bỏ bớt hormone này cũng như những chất độc hại khác mà cơ thể sản sinh ra sau một sự kiện căng thẳng mệt mỏi.

Việc này cũng tương tự quá trình bài tiết khác của cơ thể như đại tiện, tiểu tiện, thở hoặc đổ mồ hôi. Cuối cùng Frey kết luận: “Kìm nén nước mắt có thể khiến gây ra một loạt các vấn đề tâm lý.”

Khóc không chỉ loại bỏ độc tố mà còn còn giảm căng thẳng. Nghiên cứu đã cho thấy huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể của một số người lớn đã giảm xuống mức bình ổn sau khi khóc (kết quả này không được áp dụng với những người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao).

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét mối quan hệ giữa khóc và sức khỏe thể chất. Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người khỏe mạnh hay khóc và cũng có suy nghĩ tích cực hơn về khóc so với những người mắc bệnh.

Những nghiên cứu khác cũng cho thấy khóc có khả năng cải thiện tâm lý đáng kể. Và những bệnh nhân không thường xuyên khóc trong thời gian trị liệu không cho thấy sự cải thiện trong quá trình điều trị tâm lý.

Trẻ thông thường sẽ hay khóc lóc và giận dữ sau khi trải qua những biến cố như bão lụt, tấn công… Điều này cho thấy trẻ đang cố gắng giải thoát bản thân khỏi những căng thẳng và cảm xúc kinh hoàng đó.

Các nhà tâm lý đã nghiên cứu được rằng những đứa trẻ khóc nhiều khi mới vào viện lại có xu hướng nhanh chóng thích nghi hơn những trẻ có biểu hiện ngoan ngoãn và không khóc. Tuy nhiên những trẻ hay khóc ngay từ lúc mới vào viện lại có nguy cơ cao gặp phải các căng thẳng như khó ăn ngủ hoặc rối loạn trong quá trình học tập.

Nói tóm lại, khóc là liệu pháp chữa bệnh cho phép chúng ta đối phó với những căng thẳng và chấn thương. Khóc có thể coi là cơ chế tự chữa lành mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có khi được sinh ra.

Khóc không phải là hành động chứng minh sự hư hỏng của một đứa trẻ hay sự thiếu trưởng thành của một người lớn, mà nó là phản ứng cần thiết giúp xoa dịu cảm xúc mà bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều nên làm.

Tại sao trẻ con cần phải khóc?

Khóc là phản ứng tự nhiên của trẻ sau khi phải trải qua căng thẳng hoặc chấn thương. Càng gặp phải nhiều căng thẳng, trẻ càng cần khóc nhiều.

Bệnh tật, thương tích và nhập viện là vài trong số nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị căng thẳng. Cha mẹ sinh thêm em bé, cha mẹ ly thân, ly hôn, có sự hiện diện của bố dượng, mẹ kế, phải chuyển đến nhà mới, chuyển trường... cũng là những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị căng thẳng.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, thì sự chia ly, tại nạn, nỗi thất vọng, lo lắng, bị lấy mất đồ chơi, bị ngã từ xích đu, phải ăn thứ mình không thích, cha mẹ đến đón muộn… Tất cả đều có nguy cơ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng. 

Tuy nhiên, không chỉ nỗi buồn mới là nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy bị áp lực, mà sự vui vẻ phấn khích đôi khi cũng là thủ phạm.

Sẽ không khó để bạn thấy trẻ bật khóc ngay trong bữa tiệc sinh nhật của mình. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những đứa trẻ mắc phải các biến chứng sau khi sinh thường khóc nhiều hơn những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh.

Mặc dù căng thẳng ở trẻ em là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng cha mẹ có thể giảm mức độ đó bằng cách cho trẻ ở trong môi trường nhạy cảm, thân thiện và hiểu được nhu cầu của trẻ. Theo đó, phương pháp giáo dục con kiểu thoải mái sẽ ít gây căng thẳng hơn sử dụng hình phạt. 

Hiện tượng "Chiếc bánh quy vỡ"

Nhu cầu được khóc dần tích tụ cho đến khi trẻ cảm thấy muốn được giải thoát. Tại thời điểm này, bất cứ lý do gì cũng có thể khiến trẻ khóc.

Đôi khi trẻ sẽ khóc chỉ vì những lý do không rõ ràng, và sự bùng nổ đó sẽ được giải quyết bởi tình huống hiện tại.

Ví dụ: Một đứa trẻ òa khóc chỉ vì chiếc bánh quy bị vỡ (dù đó chưa chắc đã là nguyên nhân chính khiến trẻ khóc). Tuy việc trẻ khóc chỉ vì một lý do có phần ngớ ngẩn khiến cha mẹ vô cùng bực tức, nhưng liệu trẻ có thực sự hư hỏng và đang có ý đồ thao túng như cha mẹ nghĩ?

Hãy nhìn nhận tình huống theo một cách khác. Rất có thể bé đang sử dụng cái cớ bánh quy bị vỡ để giải phóng cảm giác đau buồn hoặc giận dữ dồn nén do tích tụ của căng thẳng và lo lắng.

Nên nhớ, trẻ em không khóc một cách vô thời hạn. Trẻ sẽ dừng lại theo ý mình khi thấy đủ. Sau đó, trẻ sẽ có cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Lúc này nguyên nhân gây ra tiếng khóc không còn là vấn đề, và đứa trẻ sẽ trở nên vui vẻ, hợp tác hơn.

Tuy phản ứng khóc là hành động cần thiết đối với một đứa trẻ, nhưng người lớn cũng cần khiến trẻ hiểu rằng khóc lóc ầm ĩ là hành vi không thể chấp nhận được tại một số địa điểm nhất định, ví dụ như trên phố, trong siêu thị hoặc các nơi công cộng.

Chính vì điều vậy, nếu chúng ta biết lắng nghe trẻ, chúng ta sẽ có thể giúp trẻ tiết kiệm được tiếng khóc và biết sử dụng nó đúng lúc. 

Tại sao việc chấp nhận nước mắt của trẻ là một điều rất khó khăn?

Thật khó có thể cho phép trẻ em được tự do rơi nước mắt vì hầu hết người lớn chúng ta khi còn nhỏ đều không ít lần bị bố mẹ bắt phải nín, nếu không thì sẽ bị hù dọa bởi vô số thứ. Vô tình, ý đồ tốt đẹp của người lớn là giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn lại gây hại cho trẻ.

Cụ thể là trẻ có thể sẽ bị phạt, bị mắng, bị đánh chỉ vì khóc nhè. Lâu dần, khóc trở thành một phản ứng không thể chấp nhận ở trẻ con, và chính vì quan niệm khóc là hư, nên người lớn khó có thể đồng cảm với một đứa trẻ khóc lóc, điều này dẫn đến sự thôi thúc ngăn cản con cái được khóc để trút bỏ nỗi lòng.

Thậm chí với con trai, khóc còn là điều gì đó đáng xấu hổ hơn với con gái. Cha mẹ luôn có xu hướng dị ứng với việc con trai khóc lóc, có lẽ nguyên nhân là bởi họ sợ con trai mình sẽ trở nên yếu đuối, thiếu tự tin.

“Là con trai thì không được khóc” là câu nói khá quen thuộc với chúng ta. Hậu quả của việc cấm các bé nam được khóc là chúng luôn phải chịu đứng và lớn lên với ý niệm không bao giờ được phép rơi nước mắt trong mọi hoàn cảnh.

Điều này khiến nam giới có nguy cơ dễ mắc bệnh, chết sớm hơn phụ nữ, và có nhiều hành vi bạo lực hơn phụ nữ do cảm xúc bị dồn nén quá lâu.

Cha mẹ ai cũng muốn con cái được hạnh phúc, và họ mặc định nhiệm vụ của mình là phải khiến con luôn vui, nhưng rất tiếc họ lại không nhận ra rằng con sẽ vui vẻ trở lại sau những trận khóc lóc.

Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn cảm thấy thiếu tự tin, thấy mình thất bại khi con khóc. Vậy nhưng họ lại không hề hiểu, khóc không khiến trẻ tổn thương, mà ngược lại chính là liều thuốc chữa lành vết thương.

Khóc cho thấy đứa trẻ đang cảm thấy an toàn, bởi chúng có thể tự do thể hiện xúc cảm của mình mà không e ngại.

Cha mẹ nên phản ứng như thế nào khi con khóc?

Trước hết cha mẹ nên tìm cách giảm thiểu sự thất vọng và ức chế của trẻ. Trên thực tế, trẻ con thường dễ nổi cáu hơn khi mệt mỏi hoặc bị đói.

Một số trẻ thậm chí còn nhạy cảm đến nỗi bị kích động chỉ vì một thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày. Chính vì vậy, một môi trường yên bình, nhẹ nhàng sẽ có thể xoa dịu trẻ hiệu quả

Mặc dù việc hạn chế những căng thẳng trong cuộc sống của trẻ là điều vô cùng cần thiết, nhưng đôi khi chúng ta cũng cảm thấy mâu thuẫn khi phải chống lại tôn chỉ “Luôn làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn” nếu sự tốt đẹp đó khiến trẻ trở nên chai sạn với mọi loại cảm xúc. Nếu bạn thấy một đứa trẻ khóc vì đồ chơi bị hỏng, bạn có thể nói: “Đừng khóc, mẹ sẽ mua cho con một cái khác”.

Hoặc có thể thể hiện sự đồng cảm với con: “Con thực sự rất buồn về điều đó đúng không?” dù câu hỏi này có thể khiến trẻ khóc to hơn, nhưng nó sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được thấu hiểu và được thể hiện những mất mát của mình thoải mái. 

Nhất là trong những tình huống con chịu đau đớn về thể xác như bị ngã xe, bị ốm sốt, cha mẹ rất cần bày tỏ sự thấu hiểu của mình với con về nỗi đau, sự sợ hãi đó (“Con có sợ lắm không khi bị ngã?”, “Con mệt lắm khi bị sốt thế này đúng không?”) chứ không phải tảng lờ hoặc đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ vào nỗi đau đó.

Ngay cả khi tiếng khóc hoặc cơn thịnh nộ dường như không tương xứng với sự cố xảy ra, đứa trẻ vẫn có lợi khi được phép thể hiện cảm xúc.

Bị đổ sữa cũng có thể là cái cớ để trẻ giải phóng tâm trạng bức bối sau một ngày dài đầy thất vọng hoặc chán nản. Và phản ứng hữu ích nhất lúc này chính là khóc hoặc ăn vạ.

Nếu trẻ khóc quá to gây ảnh hưởng đến mọi người, bạn có thể đưa trẻ đến một phòng khác, với điều kiện có một người lớn ở bên để an ủi bé. Không có luật nào bắt con người phải khóc một mình, nhất là với trẻ con, đừng bao giờ để bé cảm thấy mình bị trừng phạt chỉ vì khóc nhè. 

Đối phó thế nào với những đứa trẻ có thói quen đánh hoặc cắn người khác?
Nếu đứa trẻ hành xử một cách thô bạo khi nổi giận, ví dụ đánh, cắn mọi người, hãy ngăn chặn những hành vi gây tổn thương đó.

Cảnh cáo và dạy trẻ rằng hành vi đánh đấm người khác là sai, và trẻ có thể đánh vào gối thay vì đánh người khác để xả cơn giận.

Bạn có thể xen vào và giữ tay chân ngăn hành vi bạo lực của trẻ, đồng thời giải thích: “Con không thể dùng bạo lực để xả tức giận, và bố không muốn con làm tổn thương bất cứ ai, thay vào đó con có thể khóc thoải mái để trút bỏ nỗi buồn của mình”.

Một đứa trẻ được phép khóc to và tự do thể hiện cảm xúc trong ranh giới an toàn, dưới sự giám sát của cha mẹ sẽ ít có nguy cơ bị bạo lực hoặc trở thành người bạo lực.

Nước mắt và những trận ăn vạ là liều thuốc hữu hiệu giúp trẻ em vượt qua sự căng thẳng và những chấn động. Việc chấp nhận và cảm thông với xúc cảm mạnh mẽ đó là nguyên liệu quý giá của tình yêu, cũng như là sợi dây liên kết tình cảm lành mạnh với con.

Trẻ cần được sống trong môi trường cho phép chúng tự do thể hiện cảm xúc một cách an toàn và lành mạnh.

Điều đó sẽ giúp con duy trì những cảm xúc tích cực vì thường xuyên được giải phóng cảm xúc tiêu cực trong người, giúp trẻ trở thành một người biết hợp tác, cảm thông và phi bạo lực.