Vì sao bảo quản thực phẩm bằng cách hút chân không vẫn đáng lo ngại?
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không có thể giúp kéo dài thời gian bảo quản, nhưng cũng có thể có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Điều này là do nếu việc chế biến không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn yếm khí (vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường thiếu không khí) sẽ sinh độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.
Một trong các vi khuẩn yếm khí thường hay gây ngộ độc trong các loại thực phẩm đồ hộp, thực phẩm bao gói hút chân không là vi khuẩn Clostridium botulinum.
Đây là loại vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử (dạng tồn tại của vi khuẩn trong môi trường bất lợi), có độc lực rất mạnh và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây tử vong chỉ với liều lượng rất nhỏ.
Thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể trên cả nước đã chung tay quyên góp tiền, thực phẩm, nhất là thực phẩm đóng gói hút chân không tới các khu vực ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Dù vậy, việc tự chế biến thực phẩm và hút chân không cũng có thể gây rủi ro về an toàn thực phẩm.
Chính vì thế, Cục An toàn thực phẩm đã khuyến cáo, các tổ chức cá nhân nên ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày. Một số thực phẩm điển hình như lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định.
Với trường hợp tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không, cần lựa chọn các thực phẩm phù hợp để bảo quản hút chân không.
Đơn cử như thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại bánh có lá bọc phải được chế biến đun kỹ (nhiều giờ), khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không.
Bên cạnh đó, quá trình chế biến cần đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm.
"Khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp. Bao gói hàng hóa, thực phẩm cẩn thận để tránh bị ngấm nước mưa hoặc rơi, ngập trong nước lũ, bùn"- Cục An toàn thực phẩm nêu rõ.
Cũng theo đơn vị này, các thực phẩm tự chế biến và bảo quản bằng phương pháp hút chân không nên ưu tiên hỗ trợ cho những khu vực có thời gian vận chuyển ngắn. Người sử dụng thực phẩm cứu trợ, thực phẩm được biếu, tặng hút chân không, cần kiểm tra lại bao gói trước khi sử dụng.
Với các thực phẩm như bánh chưng, bánh dày... dù được bảo quản hút chân không, nhưng hạn sử dụng ngắn nên người dân cũng nên chú ý kiểm tra. Nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng.
Ngoài ra, người dân cũng tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường
Thực phẩm đóng hộp không phồng, nhưng khi mở ra nghe tiếng "xì" tức là có không khí ở trong, hơi “nặng mùi” cũng không nên sử dụng để phòng đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum.
Bác sĩ nói gì về thói quen chạy bộ để giải rượu dịp Tết?
Sau khi uống rượu bia, nhiều người lựa chọn chạy bộ để giải rượu. Vậy phương pháp này có thực...
Không ngờ loại gia vị quen thuộc là 'cứu tinh' cho bệnh nhân thận, có sẵn trong bếp
Đối với người Việt Nam, từ lâu tỏi đã trở thành một loại gia vị không thể thiếu trong căn...
6 thay đổi nhỏ nhưng có lợi cho tim
Thay đổi lối sống đơn giản có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và sức...
Dùng tăm tre hay chỉ nha khoa tốt hơn?
Tăm tre và chỉ nha khoa đều là dụng cụ giúp làm sạch và loại bỏ thức ăn thừa trên...