Ngày 22/6, theo nguồn tin của Zing, VKSND TP.HCM đã gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.

Theo cơ quan tiến hành tố tụng, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thời gian dài hơn cho việc điều tra, không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, nên việc tiếp tục tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng là cần thiết.

Hôm 24/3, bà Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Theo quy định pháp luật, những trường hợp nào bị can bị gia hạn tạm giam. Thời gian tạm giam tối đa có thể áp dụng là bao lâu?

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào hôm 24/3. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo dõi vụ việc, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú - TAT LAW FIRM) cho biết theo quy định về phân loại tội phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự, thì tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là tội nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt này là 7 năm tù.

Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 quy định thời hạn tạm giam bị can là không quá 2 tháng với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng và không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam. Trong trường hợp này có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng.

"Đối với trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan công an nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần thời gian dài hơn để điều tra, việc gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can là phù hợp với quy định", luật sư Thảo nói.

Theo nữ luật sư, khi vụ án được chuyển sang VKS, nếu nhận thấy cần tiếp tục tạm giam bị can để điều tra, VKS có quyền gia hạn tạm giam một lần đối với tội phạm nghiêm trọng. Thời gian gia hạn tạm giam tương tự như tại cơ quan công an.

Khi đã hết thời hạn tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do cho người bị tạm giam. Trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác.