Sang đường trên vạch dành cho người đi bộ là quy định quen thuộc tại Việt Nam trong nhiều năm. Tuy nhiên ở các điểm giao không có vạch kẻ hay đèn tín hiệu, người đi bộ thường gặp khó khăn nếu có nhu cầu sang đường.

Không bắt buộc vẫy tay nếu đi trên vạch

Từ đầu năm nay, khi Nghị định 168 đã được áp dụng, nhiều thông tin trên mạng xã hội, diễn đàn chia sẻ thông tin về việc bị phạt tiền nếu không giơ tay làm tín hiệu khi sang đường. Tuy nhiên theo quy định, không phải lúc nào người đi bộ cũng bắt buộc phải vẫy tay khi sang đường.

Nghị định 168 nêu rõ việc làm tín hiệu bằng tay chỉ là hành vi bắt buộc nếu người đi bộ di chuyển qua các đoạn đường không được trang bị đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hay hầm, cầu vượt.

Trong trường hợp di chuyển qua các đoạn đường không có vạch kẻ và không thực hiện động tác giơ tay báo hiệu, người đi bộ có thể bị phạt 150.000-250.000 đồng.

 

Người đi bộ không cần vẫy tay nếu đi qua vạch kẻ, nhưng nhiều nước khuyến khích vẫy tay để tăng độ an toàn. Ảnh: Quora.

Điều này nhằm đảm bảo việc đi lại thuận tiện hơn, tăng tính an toàn cho cả người điều khiển phương tiện và người đi bộ.

Các quốc gia trên thế giới cũng không bắt buộc người đi bộ vẫy tay làm khi di chuyển sang đường ở các giao lộ có đèn tín hiệu và vạch kẻ đường. Ví dụ tại Mỹ, Đức hay Thụy Sỹ người đi bộ được khuyến khích vẫy tay nhưng vẫn thoải mái sang đường tại khu vực được trang bị vạch kẻ đường, khi đèn tín hiệu cho phép chuyển xanh.

Vẫy tay thế nào cho đúng? Tại sao nên vẫy tay?

Việc di chuyển qua đường ở nơi không có vạch gần như không xảy ra tại các nước có văn hóa đi bộ. Khi các phương tiện thường xuyên di chuyển ở tốc độ cao, các đoạn giao lộ trở thành nguy hiểm khổng lồ cho người đi bộ nếu không di chuyển đúng nơi quy định.

 
 

Nếu chọn qua đường ở nơi không có vạch kẻ theo quy định, người đi bộ có thể bị phạt hành chính. Ví dụ tại bang Seattle (Mỹ), người đi bộ sẽ bị phạt 56 USD nếu di chuyển sang đường ở nơi không có vạch kẻ, hay còn gọi là "jaywalking".

Tuy nhiên ở Việt Nam, tình trạng di chuyển ở các khu vực không có vạch kẻ đường vẫn xuất hiện do đặc điểm đường phố khác biệt. Người đi bộ băng qua đường ở gần như khắp mọi nơi, dù có đèn và vạch kẻ đường hay không.

Người đi bộ có thể vẫy tay tùy ý thích, chỉ cần đủ để báo hiệu cho phương tiện việc sắp sang đường. Ảnh: Twitter.

Điều này khiến người điều khiển phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông, dễ xảy ra các tình huống bất ngờ nếu người đi bộ sang đường. Việc vẫy tay làm là giải pháp hợp lý nhằm báo hiệu cho người lái, tránh các tai nạn có thể xảy ra.

Nghị định 168 không nêu rõ việc vẫy tay thế nào cho đúng khi sang đường. Hành động giơ tay chỉ nhằm báo hiệu về việc qua đường. Ở các nước cũng chưa có quy định nào về việc vẫy tay thế nào cho đúng. Vì vậy, người đi bộ chỉ cần vẫy tay theo ý thích, miễn đảm bảo an toàn và đưa ra ra thông tin muốn qua đường cho các xe lưu thông là được.

Nhìn chung câu chuyện vẫy tay khi sang đường như một phép lịch sự của người đi bộ đối với các phương tiện tham gia giao thông. Người đi bộ có thể lựa chọn vẫy tay ngay cả khi đi trên vạch cho người đi bộ nhằm đảm bảo an toàn, nhưng không bị phạt nếu không vẫy tay. Với các đoạn đường không có vạch kẻ đường, quy định vẫy tay cũng chưa rõ ràng để chịu phạt, nhưng nên vẫy tay để báo hiệu cho xe nhường đường.

Tin liên quan