Thông tin ban đầu được biết, khuya ngày 6/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân T.C.T. (18 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang) nhập viện vì nôn ói nhiều, mệt.

Khai thác bệnh sử của các bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, trước ngày nhập viện đã đi uống rượu với 4 người bạn. Nhóm đã dùng loại cồn rửa tay để pha chế thành rượu và sử dụng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có nồng độ cồn methanol trong máu rất cao (242.25mg/dL).

Bác sĩ đang chăm sóc, điều trị cho một trường hợp bị ngộ độc methanol (ảnh: BVCC)

Sau chẩn đoán người bệnh bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân đến theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU). Bệnh nhân đã được lọc máu, điều trị nội khoa tích cực để đào thải độc tố trong cơ thể.

Sau khi bệnh nhân trên nhập viện, chiều ngày 7/8 có thêm 4 trường hợp khác trong nhóm cùng ăn nhậu trước đó cũng phải nhập viện cấp cứu vì tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe. Các bệnh nhân gồm: P.T.Q. (21 tuổi, ngụ tại Quận 1, TPHCM); N.D.L. (28 tuổi, ngụ Quận 3, TPHCM); N.V.Đ (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) và P.H.T. (31 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM). Các bệnh nhân trên được chẩn đoán theo dõi ngộ độc rượu methanol.

Trước đó, vào ngày 3/8 một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến rượu methanol đã xảy ra tại thành phố Thủ Đức khi nhóm 8 sinh viên đã uống hết 5 lít rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Hậu quả của vụ việc khiến 2 người tử vong, 6 người phải nhập viện, hiện 5 trường hợp đang dần bình phục nhưng 1 trường hợp vẫn trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng với chẩn đoán rối loạn toan chuyển hóa máu, tổn thương 2 bán cầu não.

Trước thực tế các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra do công công nghiệp methanol, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên mua bán, sử dụng các loại rượu bia và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.