Uống nhiều sữa có gây tăng cân?
Chỉ sau hơn một năm làm việc tại công ty mới, Minh Châu (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bất ngờ phát hiện cân nặng tăng đến gần 5 kg. Nữ nhân viên văn phòng cho biết cô thường cảm thấy mệt mỏi vì phải tiếp xúc máy tính, ngồi nhiều, ít có thời gian vận động.
Tăng cân vì thói quen uống sữa thay ăn cơm
Vừa du học trở về, Minh Châu nhanh chóng được nhận làm việc tại công ty chuyên về công nghệ phù hợp chuyên ngành.
Dù được làm việc với mức thu nhập đáng mơ ước, song cô thường xuyên thức khuya để làm việc, lên kịch bản và hỗ trợ các bộ phận khác. Do đó, sữa là thực phẩm không thể thiếu trên bàn làm việc của Châu.
“Có hôm bận quá, tôi uống 2-3 hộp sữa để thay thế bữa ăn. Cứ nghĩ điều này bình thường vì tôi lưu ý chọn sữa ít đường và thay đổi các loại từ sữa bò, sữa hạt, ngũ cốc, lúa mạch… Gia đình tôi còn hay phàn nàn ăn uống như thế không đủ chất, không ngờ rằng tôi lại tăng cân”, Minh Châu nói.
Cô gái này cho biết sau khi phát hiện bản thân tăng 5 kg đã nhanh chóng đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống. Cô cũng được bác sĩ khuyên từ bỏ thói quen uống sữa thay bữa ăn, thay vào đó chăm chỉ tập thể thao, sinh hoạt theo giờ giấc khoa học hơn.
Sữa không thay thế được bữa ăn, nước uống
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cho biết sữa thuộc nhóm thực phẩm có thành phần dinh dưỡng toàn diện, đặc biệt giàu canxi, đạm, đường béo, vitamin khoáng chất kể cả nước. Ngoài ra, một số lượng sữa công thức còn có thêm chất xơ hòa tan.
Dòng sản phẩm sữa nước được chia thành các loại:
- Sữa tươi tươi nguyên kem: >=3% chất béo.
- Sữa tươi tách béo một phần hay sữa ít béo: 1,5% chất béo.
- Sữa tươi tách béo: <=0,5% chất béo.
- Sữa bột gầy (skim milk): 0% chất béo.
“Rõ ràng, loại sữa nào cũng đều có năng lượng và gây tăng cân là điều dễ hiểu, nhưng mức độ gây tăng cân như thế nào tùy thuộc vào số lượng sữa mà cơ thể tiêu thụ”, bác sĩ Loan nói.
ThS.BS Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đưa ra bảng phân tích thông tin dinh dưỡng (gồm năng lượng, đạm, hydro cacbon, chất béo) của 3 loại sữa từ một nhãn hiệu khá thông dụng trên thị trường Việt Nam:
Sữa tiệt trùng nguyên chất | Sữa tiệt trùng ít đường | Sữa tiệt trùng có đường | |
Năng lượng | 60,5 Kcal | 70 Kcal | 72 Kcal |
Chất đạm | 3 g | 2,9 g | 2,9 g |
Hydrat cacbon | 4,7 g | 7,2 g | 8 g |
Chất béo | 3,3 g | 3,3 g | 3,2 g |
Ở phần nhãn ghi thông tin dinh dưỡng của sản phẩm, thông số hydro cacbon chính là lượng đường trong sữa. Toàn bộ carbohydrate (Hydrat cacbon) trong sữa là đường lactose.
Sữa tươi nguyên chất thanh trùng hoặc tiệt trùng là sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào của sữa và không bổ sung bất cứ thành phần nào khác, đã qua thanh trùng/tiệt trùng.
Với sản phẩm sữa nguyên chất, chỉ có một lượng đường duy nhất có từ lượng đường có sẵn tự nhiên trong sữa tươi nguyên liệu (đường lactose). Sữa ít đường và sữa có đường sẽ được bổ sung một lượng đường nhất định ngoài lượng đường lactose có sẵn tự nhiên trong sữa.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, dòng sữa nguyên chất sẽ là dòng sữa ít đường nhất, sữa ít đường sẽ nhiều đường hơn sữa nguyên chất khi so sánh cùng một dòng sản phẩm.
Lượng đường trong sữa ít đường có thể gấp 1,5 lần lượng đường trong sữa nguyên chất. Sự chênh lệch giữa sản phẩm ít đường và nguyên chất lên tới 2,5 g hoặc hơn trong 100 ml.
Với những loại sữa có bổ sung hương vị như sữa hương vị chocolate, dâu… thường sẽ có lượng đường cao hơn, có thể lên tới 5 g/100 ml so với sữa nguyên chất.
Uống sữa thế nào hợp lý?
Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, do sữa có thành phần dinh dưỡng hoàn chỉnh, nếu trong buổi sáng, khi uống một ly sữa chuẩn (1 ml cho 1 Kcal), tương đương 250 Kcal, bạn có thể thay thế hoàn toàn bữa ăn sáng đối với người thừa cân, béo phì, giúp giảm bớt lượng calo khi ăn sáng một tô phở hay ổ bánh mì thịt 400 Kcal, hỗ trợ giảm cân mà vẫn đủ dinh dưỡng đặc biệt sữa cung cấp canxi cho cơ thể.
Chuyên gia cho rằng những người thường xuyên chịu áp lực công việc như Minh Châu, nhất là nhân viên văn phòng thường có thói quen ăn vặt.
Do đó, người đang trong chế độ ăn uống kiêng khem, tốt nhất nên chọn loại sữa chứa hàm lượng chất béo thấp, không uống sữa một cách vô tư hay thay thế bữa ăn, càng không thể thay thế nước uống.
“Nếu bạn chỉ ăn lưng bụng, trong bữa phụ có thể uống sữa. Còn ăn điều độ, đủ năng lượng mà uống thêm sữa theo cảm nhận đói, chính điều này vô tình khiến cơ thể tích tụ năng lượng thừa và đưa đến béo phì lúc nào không hay”, bác sĩ Loan khuyến cáo.
Nếu bạn bị thừa cân hay béo phì, nhưng các bữa ăn chính không đủ lượng canxi cho cơ thể, giải pháp đưa ra là thay thế bữa ăn sáng bằng một ly sữa chuẩn.
Ngoài ra, bạn nên giảm bớt tinh bột (cơm) trong bữa ăn chính và chất béo (món chiên, xào), uống thêm 1-2 ly sữa tươi tách béo (<1% béo) vào bữa phụ (khoảng 2 giờ sau bữa ăn chính).
Song song đó, việc kết hợp tập thể dục vừa phải 30-45 phút lúc đói sẽ giúp tiêu xài lượng mỡ thừa, điều này vừa giúp cơ thể giảm cân nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là canxi.
5 lý do bạn nên bổ sung rau hẹ vào thực đơn hằng ngày
Rau hẹ là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, không chỉ ngon miệng mà rau hẹ còn...
Những loại quả ngon tưởng ‘lành’ nhưng cực hại cho dạ dày nếu ăn sai giờ, đặc biệt có loại...
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, nhưng khi ăn bạn nên có sự chọn...
Điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe nếu mỗi ngày ăn một quả ổi?
Ổi là loại trái cây phổ biến, có thể sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Vậy điều gì sẽ...
Bánh mì: Món ăn ngon của mọi người nhưng có tác hại khó lường nếu ăn sai cách
Bánh mì ngon, bổ, rẻ là sự lựa chọn tuyệt vời của nhiều người cho bữa sáng bận rộn. Thế...