Tưởng khàn tiếng do xoang hoá ra ung thư

Anh Nguyễn Văn H. (45 tuổi, trú tại Hoà Bình) tới Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khám sau khi đã đi kiểm tra ở 2 – 3 bệnh viện khác. Anh H. bị viêm xoang nên thời gian gần đây anh bị khàn giọng. Khoảng 2 tháng, giọng nói khàn khàn ngày càng khàn hơn.

Anh H. tưởng ảnh hưởng của bệnh xoang nên càng uống nhiều thuốc xoang. Kết quả, sau một thời gian khó nói chuyện, vợ anh khuyên đi viện kiểm tra. Bác sĩ bệnh viện tỉnh nghi ngờ K thanh quản nên yêu cầu anh xuống Hà Nội kiểm tra. Taị Bệnh viện đại học Y bác sĩ kiểm tra chẩn đoán K thanh quản.

Sau khi có kết quả sinh thiết chẩn đoán chính xác ung thư thanh quản, anh H. được giới thiệu sang Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương để mổ. Do khối u đã xâm nhập rộng nên phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hai dây thanh. Sau phẫu thuật, bác sĩ đặt ống thở khí quản ở cổ cho bệnh nhân và đồng nghĩa anh H. không thể nói được gì.

Hình ảnh chứng bệnh ung thư thanh quản - Ảnh minh họa: Internet

Vợ anh kể, trước đây anh rất hay nói, từ khi phẫu thuật và không thể nói được gì khiến anh cũng rơi vào trầm cảm. Vợ anh động viên chồng tham gia câu lạc bộ bệnh nhân ung thư thanh quản để anh được chia sẻ về cuộc sống sau mổ và cách học nói.

Anh H. hút thuốc lá từ năm 17 tuổi. Thuốc lá từng là niềm kiêu hãnh của những thanh niên như anh, lấy vợ vào biết thuốc lá không tốt nhưng 3 lần, 7 lượt nói bỏ thuốc đều không thành công. Cách đây 2 năm, anh đã quyết tâm bỏ thuốc lá và được 2 tháng anh hút lại. Chưa cai hẳn thuốc lá anh đã mắc ung thư thanh quản.

Sau mổ, anh có muốn hút thuốc cũng không được vì không còn ngửi được mùi thuốc lá. Anh H. rất ân hận khi bị bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình. Con gái lớn của anh vừa vào đại học, con gái út mới học lớp 4.

Không riêng gì anh H., hơn chục bệnh nhân điều trị ung thư thanh quản tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong thời gian này đều là đệ tử của thiên thần khói trắng mang tên thuốc lá. Các bác sĩ cho rằng thuốc lá, thuốc lào là tác nhân gây nên ung thư thanh quản.

Dấu hiệu cần nhớ

PGS Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết bệnh ung thư thanh quản chủ yếu thường gặp ở nam giới, chiếm trên 90%. Ở độ tuổi 50 – 70 chiếm 72%, từ 40 – 50 tuổi chiếm 12%.

Tại Việt Nam, ung thư thanh quản xếp thứ 4 chỉ đứng sau ung thư vòm họng, xoang mũi và ung thư vùng hạ họng trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng.

Bệnh nhân ung thư thanh quản hiện nay tới bệnh viện vẫn còn ở giai đoạn muộn nên số bệnh nhân được điều trị bảo tồn dây thanh rất ít, cắt 1 dây thanh chiếm tỷ lệ nhỏ còn lại đa phần bác sĩ phải cắt bỏ hết hai dây thanh và đồng nghĩa bệnh nhân không nói được.

Thuốc lá là tác nhân gây ung thư thanh quản - Ảnh minh họa: Internet

Các bệnh nhân vào viện đều có tiền sử khàn tiếng một thời gian dài và không ai đi khám. Chỉ đến khi không khỏi, uống đủ kháng sinh vẫn khàn tiếng mới đến bệnh viện. Lúc này, ung thư đã xâm lấn vào dây thanh.

Bác sĩ Kỳ cho biết dấu hiệu duy nhất dễ thấy nhất của ung thư thanh quản đó là khàn giọng. Đây được xem là dấu hiệu 'vàng' báo bệnh với những người khàn tiếng thời gian dài chắc chắn do ung thư thanh quản.

Chính vì thế, bác sĩ Kỳ khuyến cáo người bệnh nếu có hiện tượng khàn tiếng trên 10 ngày cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kiểm tra và sàng lọc sớm ung thư thanh quản. Ngoài ra, một số người có thêm biểu biểu hiện ho.

Với ung thư thanh quản, bác sĩ chỉ cần nội soi là phát hiện ra. Sau đó, bệnh phẩm được sinh thiết và chẩn đoán chính xác nếu là ung thư thanh quản. Ung thư thanh quản ở giai đoạn đầu bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật. Giai đoạn muộn điều trị khó hơn và tốn kém với nhiều phương pháp khác nhau. Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ.

Đề phòng ung thư thanh quản, bác sĩ Kỳ cho biết cách phòng tốt nhất đó là không hút thuốc lá, tăng cường thực phẩm như rau xanh, hạn chế rượu bia.