Khối u ngày càng phát triển lớn hơn, hiện to như quả bưởi và đã loét. Mới đây chị Thanh đến Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) khám, bác sĩ chẩn đoán bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ ngực trái, không thể phẫu thuật được nữa. Hiện chị Thanh được điều trị hóa chất để kéo dài thời gian sống tối đa.

Nhiều bệnh nhân khác tự ý đắp lá thuốc để chữa ung thư vú, đến khi vào viện thì bệnh đã mất thời gian vàng và chuyển sang giai đoạn di căn. Bà Cúc 52 tuổi ở Phú Thọ nhập viện K với các vết lở loét, chảy máu ở ngực. Bà Cúc trước đó đã được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2, tuy nhiên bà không chữa trị theo phác đồ tại bệnh viện mà tự ý mua thuốc lá của thầy lang để đắp. Sau khi dùng, bà Cúc bị nóng rát, đau tức ngực, sưng tấy, lở loét... mới đến viện điều trị. Lúc này, bà Cúc được bác sĩ xác định bị nhiễm trùng tuyến vú do đắp lá, phần hoại tử lan rộng sang nách phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang nách. Khối u vú đã xâm lấn, di căn, chuyển sang ung thư giai đoạn 4.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân sau thời gian đắp lá khi đến viện kiểm tra thường ở giai đoạn di căn phổi, gan, xương, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Đức, Bệnh viện K, khuyến cáo ung thư vú có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Bệnh nhân đắp lá thuốc không những không khỏi mà khi vào viện đã trong tình trạng nặng, rất khó cứu chữa. "Tuyệt đối không chữa trị bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng để thêm tiền mất tật mang, khi điều trị bệnh đã quá nặng", bác sĩ Đức cảnh báo.