Theo ghi nhận của VietNamNet, từ sáng 30/9, khi biết thông tin TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách, khoảng 100 người chạy xe máy trên Xa lộ Hà Nội theo hướng về tỉnh Đồng Nai.

Khi tới chốt kiểm soát dịch trước bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), tất cả mọi người bị lực lượng chức năng chặn lại do tự phát về quê khi chưa được chính quyền thành phố cho phép.

Người dân kéo nhau về quê sau khi nghe TP.HCM nới lỏng giãn cách. Ảnh: VietNamNet

 Lực lượng chức năng túc trực tại đây đã gặp từng người dân để giải thích quy định của TP. Cụ thể, người dân không được tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác trừ trường hợp đối tượng được ưu tiên theo quy định hoặc được các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền cho phép đưa, đón người dân của các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương.  

Lực lượng chức năng lấy thông tin của từng người dân. Ảnh: Báo Giao Thông

Ghi nhận của báo Giao Thông, để nắm được nguyện vọng của người dân, lực lượng chức năng đã lấy thông tin từng người và chờ ý kiến chỉ đạo của Thành phố.  

Người dân bị lực lượng chức năng chặn lại ở cửa ngõ Đồng Nai - TP.HCM. Ảnh: VietNamNet

 Trước đó,  tại cuộc làm việc với Tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào chiều 28/9,  lãnh đạo các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên đưa ra kiến nghị người dân TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An không tự phát về quê từ ngày 1/10.

Nhiều người mỏi mệt ngồi nghỉ tạm bên vệ đường. Ảnh: Báo Giao Thông

Theo Thứ trưởng Bộ CA Lê Quốc Hùng, ngoài 4 tỉnh, thành trên có tỷ lệ tiêm vaccine cao, các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng toàn dân còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát, người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất phức tạp.  

Do đó, Bộ CA đề nghị Thủ tướng chỉ đạo TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai huy động chính quyền cơ sở nắm chắc từng người dân có nguyện vọng về quê để vận động ở lại. 

Những người không về cần được địa phương cam kết tiêm vaccine, miễn giảm tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt, hỗ trợ việc làm để có thêm thu nhập yên tâm ở lại.