Ung thư khi mang thai

Trường hợp của chị Nguyễn Thị M. (24 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) mang thai ở tuần thứ 5 của thai kỳ. Chị M. phát hiện ung thư tuyến giáp. Chị M. kể chị đi khám thai, bác sĩ kiểm tra tuyến giáp vì thấy có u ở giáp. Kết quả có u nhân tuyến giáp và sinh thiết có tế bào ung thư. Bác sĩ chẩn đoán ung thư biểu mô thể nhú tuyến giáp.

Khi biết bị ung thư, chị M. rất sốc. Vợ chồng chị vô cùng lo lắng và đi kiểm tra chéo 3 bệnh viện khác kết quả vẫn như cũ. Chồng chị M. thường ngày lên các trang báo nước ngoài đọc về bệnh ung thư tuyến giáp và được bác sĩ tư vấn nên vợ chồng chị quyết định sinh con xong mới điều trị ung thư.

Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp -Ảnh minh họa: Internet

Sau 7 tháng từ khi phát hiện bệnh, chị M. đã sinh được bé trai khỏe mạnh. May mắn, trong thời gian mang thai, tế bào ung thư phát triển chậm. Chị M. đã điều trị theo phác đồ và đến nay bệnh thoái lui hoàn toàn.

Hay như trường hợp của chị Đào Thị Thùy A. (34 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) phát hiện ung thư tuyến giáp trong lần tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ. Chị Thùy A. cho biết chị có u giáp keo phát hiện khoảng 7 năm nay và trung bình năm nào chị cũng đi sinh thiết tế bào ung thư tuyến giáp. Trong đợt điều trị ung thư này, chị Thùy A. đã được phẫu thuật cắt u và đang điều trị I ốt phóng xạ 131.

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết ngày nào bệnh viện cũng gặp trường hợp ung thư tuyến giáp đến khám, tư vấn. Nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện nhưng người bệnh chủ quan không điều trị hoặc có tâm lý ung thư là chết nên bỏ không chữa bệnh đến khi bệnh nặng mới quay lại bệnh viện.

Bác sĩ Thịnh từng điều trị và tư vấn cho một trường hợp bệnh nhân nữ 16 tuổi bị ung thư tuyến giáp. Nếu điều trị triệt để ngay từ đầu, bệnh nhân có cơ hội điều trị thành công. Tuy nhiên, bệnh nhân bỏ qua điều trị và về nhà uống thuốc nam. Đến khi ung thư di căn bệnh nhân mới vào viện. Dù bác sĩ điều trị tích cực bệnh nhân vẫn tử vong sau đó không lâu.

Bác sĩ Thân Văn Thịnh khám cho bệnh nhân

Thạc sĩ Thịnh chia sẻ so với ung thư khác, bác sĩ vẫn thường nói vui không may bị ung thư thì ung thư tuyến giáp là dễ nhất vì tỷ lệ chữa thành công lên tới 90%. Hiện nay, theo xu hướng gia tăng bệnh không lây nhiễm nên ung thư tuyến giáp cũng có xu hướng gia tăng.

Thạc sĩ Thịnh cho biết chỉ riêng tại Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hiện có trên 2 nghìn hồ sơ điều trị ung thư tuyến giáp.

Đi khám vì u cục

Ung thư tuyến giáp có hai thể không biệt hóa và thể biệt hóa. Nếu bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa gồm thể nhú và thể nang việc điều trị thành công rất cao. Ở thể này chiếm khoảng 80 – 85% bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Còn thể không biệt hóa thì tiên lượng xấu hơn do tính chất tế bào ung thư di căn nhanh.

Thạc sĩ Toàn cho biết bệnh nhân ung thư tuyến giáp thường đến bệnh viện khám vì lý di u cục ở cổ. Tuy nhiên, 90% dân số đặc biệt ở phụ nữ đều có các u hạt ở tuyến giáp nhưng rất ít người có thể tiến triển thành ung thư.

Nếu bệnh nhân bị u cục ở cổ nên đến bệnh viện khám. Các bác sĩ siêu âm tuyến giáp và nếu nghi ngờ ung thư sẽ tiến hành sinh thiết tế bào. Khi chính xác là ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ cân nhắc tùy sự lớn nhỏ của tế bào ung thư sẽ có cách điều trị khác nhau.

Bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp bán phần hay toàn bộ và nếu có hạch bác sĩ sẽ nạo vét hạch cổ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị I ốt phóng xạ.

Việc điều trị bằng I ốt phóng xạ, bác sĩ Thịnh cho biết người bệnh không đáng lo vì chất phóng xạ hoàn toàn có thể đào thải qua đường nước tiểu, mồ hôi, nước bọt của bệnh nhân, do đó có thể gây độc cho bệnh nhân cũng như người nhà của người bệnh.