Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần. 

Riêng Bộ Y tế được giao chủ trì hướng dẫn về phòng, chống các yếu tố nguy cơ và bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản ở học sinh.

Theo Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm phổ biến như tim mạch, tiểu đường, ung thư... có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý.

Riêng với yếu tố hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, trên cả nước tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở tuổi thanh thiếu niên đã giảm qua các năm (trong độ tuổi học sinh 13-17 giảm từ 5,36% vào năm 2013 xuống 2,78% vào năm 2019). Tuy nhiên, gần đây, trào lưu thuốc lá điện tử đang ngày càng xâm nhập nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá.

Kết quả Khảo sát Sức khỏe học sinh toàn cầu tại trường học năm 2019 cho thấy tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng, với tỷ lệ là 2,6% trên cả nước và 7,9% ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Thuốc lá điện tử còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung cho người dùng hít vào.

Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.

Đã có không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Gần đây, cơ sở này tiếp nhận bệnh nhân N.A (nam, 12 tuổi) là học sinh trung học ở Hà Nội.

Một nam sinh nhập viện cấp cứu vì tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: VietNamNet

Sau khi hút thuốc lá điện tử, trẻ xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và co giật. Trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử mà trẻ sử dụng gửi đi tìm độc chất, kết quả cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.

Theo bác sĩ Vinh, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính. 

Để phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền cho trẻ biết về các tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nói chung - yếu tố nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm.