Chợ mạng rầm rộ rao bán

“Ai bảo lùn không cao được?

Thuốc cao GH cho bé từ 10 tuổi trở lên… xuất xứ Nhật Bản, giá 790.000 đồng, mỗi tối uống ba viên…”

“Uống theo liệu trình bổ sung trong ba tháng, một năm bổ sung liên tiếp 3 liệu trình”…

Trên mạng có vô vàn địa chỉ bán hormone tăng chiều cao. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ cần gõ cụm từ “thuốc GH tăng chiều cao” trên công cụ tìm kiếm Google, người có nhu cầu sẽ tìm được hàng trăm nghìn kết quả khác nhau. Shop online nào cũng khẳng định viên uống GH tăng chiều cao là “cứu tinh” cho những người có chiều cao khiêm tốn và đặc biệt là giúp trẻ trong độ tuổi dậy thì đạt chiều cao tối đa trước khi “cốt xương đóng lại”.

Chưa bao giờ phụ huynh “đau đầu” vì vấn đề tăng chiều cao cho con như bây giờ. Chính vì thế, những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng tăng chiều cao, trong đó có viên hormone tăng trưởng GH luôn “hot” trên thị trường. Dù giá tiền lên tới vài trăm nghìn, thậm chí tiền triệu mỗi hộp sản phẩm, mẹ Việt vẫn bỏ tiền túi ra mua cho con với kỳ vọng con sẽ cao vượt trội.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tự ý bổ sung hormone GH cũng như nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng tăng chiều cao là “con dao hai lưỡi”.

Dùng lâu dài có thể gây to “vòng 1”, u ác tính

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, TS. Nguyễn Văn Lượng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Có nhiều quảng cáo về  thuốc hoặc thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao. Tuy nhiên hầu như các thuốc này có thành phần chính là canxi, vitamin D3, vitamin K2 dưới dạng MK7. Ngoài ra, một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thành phần hormone tăng trưởng”.

TS. Nguyễn Văn Lượng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BSCC

Theo TS. Nguyễn Văn Lượng, hormone tăng trưởng có tên là Growth Hormone (GH), do thùy trước tuyến yên tiết ra có tác dụng ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể, kích thích tăng trưởng của tế bào.

Thuốc chứa hormone tăng trưởng là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen người, được dùng trong một số bệnh. Trong đó có làm tăng chiều cao cho trẻ em tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn mà khi xét nghiệm có nồng độ GH máu thấp.

“Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không do thiếu GH thì dùng thuốc chứa hormone không có hiệu quả. Đặc biệt, khi dùng với liều cao hoặc kéo dài thì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như giữ nước, phù, sưng ngón tay, to vú đối với nam giới, nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng. Dùng lâu dài, nhất là dùng ở người đã hết thời kỳ phát triển, có thể gây ra chứng to các đầu chi, tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa…

Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao cho con mà không có chỉ định của bác sĩ”, TS. Lượng cảnh báo.

Tăng chiều cao cho con bằng cách nào?

Theo TS. Nguyễn Văn Lượng, nhu cầu tăng chiều cao tối đa cho con trước khi trẻ hết tuổi phát triển chiều cao là hoàn toàn chính đáng bởi ngoại hình là yếu tố vô cùng quan trọng với thế hệ trẻ ngày nay. Tuy nhiên, tăng chiều cao thế nào cho an toàn là điều các bậc phụ huynh cần phải lưu ý để tránh khiến con trẻ “chuốc họa”.

Trẻ có 3 giai đoạn “vàng” cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao. Đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì. Chiều cao ảnh hưởng bởi các yếu tố: dinh dưỡng, di truyền, rèn luyện thể lực, môi trường sống...

Trẻ lớn lên theo chiều cao khi các xương phát triển dài ra và to ra. Ở các xương dài, sức tăng trưởng này không diễn ra trên toàn bộ chiều dài của các xương mà chủ yếu là ở hai đầu xương do sự phát triển của sụn tăng trưởng.

Đặc biệt là ở các vị trí đầu xương ở gần gối, gần khớp vai, gần cổ tay. Sự tăng trưởng xảy ra từ thời thơ ấu. Tuy nhiên đến tuổi dậy thì, trẻ đều “nhổ giò” cao nhanh chóng. Đến tuổi thanh niên, xương phát triển chậm lại rồi không phát triển dài ra nữa.

Khi đó sụn tăng trưởng ở đầu xương đã biến đổi thành xương, vì thế trẻ không cao thêm.

“Cha mẹ cần hiểu đúng về cơ chế phát triển chiều cao, nắm bắt ba giai đoạn vàng và yếu tố ảnh hưởng chiều cao để tác động vào các yếu tố đó giúp trẻ cao tối đa. Nếu muốn con phát triển chiều cao thì hãy cho con đi khám để được tư vấn, sử dụng thuốc đúng cách. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tăng chiều cao”, TS. Lượng nhấn mạnh.

Ba yếu tố phát triển chiều cao:

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến không chỉ phát triển chiều cao mà còn tới thể chất, trí tuệ của trẻ. Bổ sung dinh dưỡng cần được làm ngay từ khi người mẹ mang thai. Khi sinh ra, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ giúp bé tăng chiều cao tốt hơn sữa công thức. Đến thời kỳ ăn dặm và sau đó, trẻ cần được bổ sung đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời phải phong phú chủng loại thực phẩm

Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết.

Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ, đồng thời chất béo còn giúp tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A,D,...) giúp hệ xương phát triển tốt.

Các thực phẩm giàu canxi đó là tôm, cua, cá, tép, ốc, trứng gà, sữa, sữa chua, phô mai,...

Thể dục thể thao

Sự vận động cơ bắp sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng cường lượng canxi vào mô xương giúp xương vững chắc hơn và phát triển tốt hơn.

Thời gian tập luyện với cường độ cao kéo dài 1,5 - 2 giờ/ ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Việc tập luyện thể dục thể thao vào ban ngày còn giúp tăng GH vào ban đêm.

Cha mẹ cần hướng dẫn và tạo cho con thói quen tập thể dục hàng ngày với những bài thể dục vừa sức, phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Ngủ đủ giấc giúp trẻ phát triển chiều cao

90% sự phát triển của xương diễn ra vào lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi; thiếu ngủ hoặc thức trắng đêm sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển chiều cao dần đều theo thời gian.

Ngủ ngon, ngủ sâu giúp cơ thể tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện. Số giờ ngủ tuỳ nhu cầu của mỗi lứa tuổi, song nhìn chung trẻ cần ngủ trên 8 giờ một ngày.

TS. Nguyễn Văn Lượng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình tổng hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108