Như đã đưa tin trước đó, theo Zing News, cách đây ít ngày, một bệnh nhân nữ 28 tuổi, vừa sinh con được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) điều trị vì bỏng nặng.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, sản phụ đang mang thai 37 tuần, cận ngày sinh nên được gia đình tổ chức ăn tiệc liên hoan. Khi đang nướng mực bằng cồn, một người bất cẩn làm đổ cồn, khiến lửa bùng lên. Ba thành viên trong nhà bị bỏng, trong đó, có sản phụ và người mẹ (58 tuổi).

Các nạn nhân được chuyển vào cấp cứu tại một cơ sở y tế tại TP.HCM. Trong lúc này, sản phụ chuyển dạ nên được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con khẩn cấp. Sau khi sinh con, chị được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương vào ngày 16/5 trong tình trạng bỏng cồn 45% diện tích cơ thể.

Chị T. thời điểm vừa sinh con, chuyển vào Bệnh viện Trưng Vương điều trị - Ảnh: Dân Trí

Mẹ của sản phụ cũng được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Hai bệnh nhân đều bị bỏng độ 2-3, có tình trạng sốc bỏng, được điều trị chống sốc, bù dịch, dùng kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng.

Dự kiến, thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng. Nếu thuận lợi, các bệnh nhân sẽ được cắt lọc, ghép da những vị trí bỏng sâu, tập vật lý trị liệu để hồi phục.

Liên quan đến vụ việc trên, dẫn tin từ Dân Trí, Bác sĩ khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, cồn khi bén vào người sẽ gây bỏng và tổn thương da diện rộng. Nếu sơ cứu không đúng cách, bệnh nhân sẽ chuyển từ bỏng nông thành sâu nhanh chóng, khiến cơ thể, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng hơn.

Do đó, người dân cần cẩn trọng, tránh nấu nướng trong phòng kín. Cần sử dụng các loại bếp an toàn (như bếp từ, bếp điện) và không dùng cồn đổ ra ngoài để nấu nướng tự phát.

Các nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng

Nếu vết bỏng không được sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe, để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc cho nạn nhân sau này. Do đó dù nạn nhân bị bỏng nhẹ hay nặng thì việc sơ cứu là rất cần thiết. Bởi vì nhiều trường hợp không sơ cứu kịp thời hoặc xử lý sai vết bỏng nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.

Nguyên tắc chung khi sơ cứu bỏng ban đầu là cho nạn nhân tách khỏi nguồn bỏng, sau đó xả nước trực tiếp vào vết bỏng càng sớm càng tốt, liên tục trong vòng 20 - 30 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da và giúp giảm độ sâu của vết bỏng. Tuy nhiên, tuyệt đối không sử dụng nước đá, chỉ sử dụng nước lạnh thông thường như nước máy, nước giếng. Sau đó, sử dụng gạc hoặc khăn bông thấm nước đắp vào chỗ bỏng để bớt đau.

Tùy vào tình trạng của vết bỏng mà bạn có thể mua thuốc trị bỏng bôi tại nhà hoặc đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để chữa trị. Lưu ý, khi vết bỏng có xuất hiện các bỏng nước thì không được tự ý chọc vỡ chúng

Ngoài nguyên tắc chung, mỗi nguyên nhân gây bỏng sẽ có một nguyên tắc sơ cứu khác nhau:

Bỏng điện: lập tức ngắt nguồn điện hoặc cố gắng đưa nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nếu thấy tim ngừng đập, cần hô hấp nhân tạo bằng phương pháp ấn ngực ngay tại chỗ rồi mới đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Bỏng hóa chất: lập tức cởi bỏ quần áo, rửa vết bỏng liên tục bằng nước để làm loãng nồng độ của hóa chất. Nếu nạn nhân bị bỏng do axit thì nên rửa vết thương bằng nước có pha bicarbonat. Nếu bị bỏng do chất kiềm thì rửa bằng nước có pha chanh hoặc giấm. Nếu bị bỏng mắt do bất cứ loại hóa chất nào gây ra thì chỉ được rửa mắt với nước sạch, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút, sau đó băng mắt bằng một mảnh vải mỏng và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Bỏng do lửa: khi quần áo nạn nhân đang cháy cần dội nước hoặc lấy chăn trùm lên người nạn nhân để dập tắt nguồn lửa. Trong trường hợp vết bỏng ở mức độ nặng, tuyệt đối không cởi quần áo đã dính vào vết bỏng để tránh vùng da bị thương bị lột ra, gây thêm đau đớn và làm tăng mức độ nghiêm trọng của vết thương. Bạn nên lấy băng y tế hoặc vải sạch che vùng bị bỏng để tránh bị nhiễm trùng, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện để điều trị.

VinMec