Mới đây thông tin một người đàn ông bị cương cứng dương vật suốt 30 tiếng sau khi uống rượu ba kích, dù đã quan hệ với vợ 3 lần liên tục mà vẫn không xuống, thông tin này chia sẻ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều người cũng liên tục uống loại rượu ngâm ba kích nhưng tác dụng thì không thực sự rõ ràng. Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo các bác sĩ khoa Nam học (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nơi bệnh nhân đến khám và điều trị cho biết, cương cứng dương vật sau thời gian dài khá hiếm gặp, với tỷ lệ 100.000 người mới có 1,2 người mắc phải và có nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc sử dụng bừa bãi chất kích thích cũng là lý do khiến dương vật cương cứng kéo dài.

Uống rượu ba kích 'tăng bản lĩnh', người đàn ông 40 tuổi bị 'cương' suốt 30 giờ đồng hồ. Ảnh: Internet

Còn trong Đông Y, ba kích là loại thuốc tốt cho cả nam lẫn nữ và có tác dụng tráng dương. Nó có 2 loại là ba kích trắng và ba kích tím. Trong đó, ba kích tím tốt hơn và được sử dụng nhiều trong việc ngâm rượu giúp tăng cường sinh lực, tráng dương, hỗ trợ khả năng sinh lý.

Ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ thận tráng dương. Với những người xuất tinh sớm, phụ nữ bị đau bụng dưới (chủ yếu là phần phụ), người bị đau xương khớp khi sử dụng ba kích cũng có tác dụng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc sử dụng phải theo hướng dẫn của người có chuyên môn, không sử dụng tùy tiện dễ gây nên những tác dụng phụ.

Ba kích tím được dùng nhiều hơn. Ảnh minh họa: Internet

Từ lâu ba kích thường được các quý ông ngâm rượu hoặc dùng kết hợp với các bài thuốc khác cũng giúp ba kích tăng tác dụng đáng kể. Quá trình ngâm cũng chỉ cần vài tháng là có thể dùng được và phát huy được tác dụng của nó. Tuy nhiên, liều lượng chỉ nên dùng khoảng 20ml rượu ngâm ba kích/ngày là đủ. Nếu dùng nhiều không chỉ gây ngộ độc, mà còn có thể gây tác dụng ngược với chức năng sinh lý. Đây là liều lượng được lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.

Không được uống quá 20ml rượu ngâm ba kích/ngày. Ảnh minh họa: Internet

Tuy có những công dụng tích cực về mặt sinh lý đối với cả nam và nữ nhưng những đối tượng sau tuyệt đối không nên sử dụng:

- Nam giới bị tinh trùng yếu.

- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

- Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, nếu lạm dụng thì bệnh có nguy cơ tái phát cao và trầm trọng hơn.

- Người bị xơ gan, lao phổi, suy tim.

- Người có tiền sử các bệnh về mắt: Cận thị, viễn thị, đau mắt vì rượu ba kích sẽ khiến mắt thêm mờ và đau hơn.

- Người âm hư hỏa vượng: Theo y học cổ truyền, âm hư hỏa vượng là hiện tượng cơ thể có một số biểu hiện như miệng khô háo nước, khó ngủ, hay sốt nhẹ về chiều, mặt đỏ, mạch ấn vào thường thẳng và yếu, ít có sự thay đổi về nhịp mạch.

- Người thường xuyên đại tiện táo bón: Theo dân gian, những người thường xuyên gặp phải tình trạng táo bón cũng không nên uống rượu ba kích.

- Người huyết áp thấp, lạnh bụng: Hạ huyết áp là một tác dụng của ba kích. Vì vậy người bị huyết áp thấp, hay bị lạnh bụng cũng không nên dùng. Nếu dùng rượu ba kích có thể gây tụt huyết áp, tiêu chảy.

- Người bệnh suy thận, hội chứng thận hư: Mặc dù là một vị thuốc có công dụng bổ thận, nhưng những người mắc chứng bệnh suy thận, hội chứng thận hư cũng không nên dùng. Bởi với những bệnh nhân suy thận, điều quan trọng nhất với người bệnh là điều trị phục hồi chức năng thận trước khi có ý định bồi bổ thận, bổ thận trước khi điều trị bệnh là lợi bất cập hại.

- Người viêm dạ dày: Viêm loét dạ dày là một trong những trường hợp không nên uống rượu ba kích, rượu ngâm thảo dược luôn được khuyến cáo không nên dùng cho mọi trường hợp bệnh nhân viêm loét dạ dày nói chung.

Chị em muốn tẩm bổ cho chồng bằng rượu ba kích thì nên lưu ý những thông tin nói trên cũng như liều lượng đúng và đủ thôi nhé. Nếu không sẽ sinh ra tác dụng phụ hoặc nguy cơ ngộ độc.