Bình nóng lạnh giờ đây đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình nhất là khi mùa lạnh sắp đến trên Miền Bắc. Tuy nhiên, cái chết của cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị tử vong khi tắm (do hở điện bình nước nóng) khiến nhiều gia đình giật mình, lo lắng. Câu hỏi được đặt ra làm nào để nhận biết sớm bình nước nóng có hấu hiệu rò điện, cách khắc phục và xử lý như thế nào? 

Thực tế bình nóng lạnh có thời gian sử dụng an toàn vào khoảng 7 – 8 năm.

Trao đổi với phóng viên, TS. Bùi Hùng Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự cố điện giật từ bình nóng lạnh. Tuy nhiên, bình nóng lạnh bị rò điện sẽ có những dấu hiệu nếu chú ý sẽ phát hiện sớm, cụ thể:

Bị rò rỉ nước: Có hai trường hợp chính dẫn đến bình nóng lạnh bị rò rỉ nước là do rò rỉ từ vị trí lắp thanh đốt và từ vị trí lắp đường ống nước. 

Với trường hợp thứ nhất việc rò rỉ nước xảy ra ở thanh đốt là rất nguy hiểm vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng rò điện, thậm chí là chập điện gây cháy nổ ở bình nóng lạnh. 

Trường hợp thứ hai có vị trí rò rỉ là chỗ lắp đường ống nước - tuy không nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến han gỉ đường ống và giảm tuổi thọ của bình nóng lạnh. 

“Do vậy khi có hiện tượng rò rỉ nước ở bình nóng lạnh thì cần phải tiến hành kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng ngay”, TS. Bùi Hùng Thắng cho hay.

Bình nóng lạnh phát ra tiếng kêu lạ khi hoạt động: Có hai nguyên nhân chính phát ra tiếng kêu của bình nóng lạnh, nguyên nhân thứ nhất là sau quá trình hoạt động dài sẽ có nhiều chất cặn bẩn hay kết tủa bám vào thanh đốt, thành và đáy bình. 

Khi bình hoạt động làm nóng nước, các chất cặn bẩn và kết tủa này sẽ va chạm hay bung vào thành bình và đáy bình gây ra tiếng kêu. Không chỉ phát ra tiếng kêu, những chất bẩn và kết tủa này cũng làm cho thời gian đun nóng nước lâu hơn, tốn điện năng hơn, thậm chí làm lõi thanh đốt có nhiệt độ quá cao dẫn đến sự cố cho bình nóng lạnh.

Nguyên nhân thứ hai là do van giảm áp của bình nóng lạnh bị sự cố. Đây là bộ phận có tác dụng làm hơi nước thoát bớt ra ngoài khi áp suất trong bình tăng do nhiệt độ bình quá cao, qua đó đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 

Nếu xảy ra sự cố với van giảm áp thì hơi nước không thể thoát ra ngoài được và gây ra tiếng kêu, điều này có thể dẫn đến áp suất trong bình lên quá cao gây nguy cơ nổ bình nóng lạnh. 

Vì vậy, TS Hùng Thắng lưu ý,  trong cả hai trường hợp này khi bình nóng lạnh phát ra tiếng kêu lạ cần phải được kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng ngay.

Nước trong vòi sen chảy không đều hoặc bị nghẽn không ra được: Điều này có thể bắt nguồn từ trường hợp thứ nhất là vòi hoa sen bị tắc, trường hợp thứ hai là đường ống dẫn nước bị tắc, và trường hợp thứ ba là do bình nóng lạnh bị tắc do có nhiều cặn bẩn, chất kết tủa. 

Với hai trường hợp đầu không gây ra hiện tượng rò điện, nhưng với trường hợp thứ ba là một dấu hiệu cho thấy trong bình có quá nhiều chất cặn bẩn kết tủa là một trong những nguyên nhân có thể gây ra rò điện, do vậy cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng, sửa chữa và bảo dưỡng kịp thời.

Aptomat của bình nóng lạnh bị ngắt liên tục: Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp này, nguyên nhân thứ nhất là do ngay từ đầu lỗi kỹ thuật lắp aptomat có công suất không phù hợp với công suất của bình nóng lạnh, nguyên nhân thứ hai do aptomat bị hỏng, nguyên nhân thứ ba là do bình nóng lạnh sử dụng khi nguồn điện quá yếu vào khung giờ cao điểm, không đủ tải để bình nóng lạnh có thể vận hành được bình thường gây ra hiện tượng ngắt điện.

Tuy nhiên nếu aptomat có công suất phù hợp, aptomat không bị hỏng, nguồn điện ổn định mà aptomat bị ngắt liên tục thì khả năng chính là do nguyên nhân chập điện hay rò điện ở bình nóng lạnh. Khi đó bình nóng lạnh cần phải được kiểm tra và sửa chữa hoặc thay thế ngay.

Bộ phận chống giật của bình nóng lạnh bị ngắt: Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp này, nguyên nhân thứ nhất là do bộ phận chống giật bị hỏng, nguyên nhân thứ hai là do bình nóng lạnh có hiện tượng bị rò điện ở bình nóng lạnh. Cả hai trường hợp này đều nghiêm trọng, do vậy cần phải được kiểm tra và sửa chữa hoặc thay thế ngay.

Có cảm giác tê tay, chân mỗi khi tắm: Đây là một hiện tượng có thể do nguyên nhân rò điện của bình nóng lạnh. Có thể kiểm tra bằng cách dùng bút thử điện để thử vào đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước, nếu phát hiện có điện thì ngắt cầu dao và kiểm tra lại toàn bộ bình nóng lạnh để sửa chữa hoặc thay thế ngay.

Từ những nguyên nhân trên, TS Bùi Hùng Thắng nhấn mạnh người sử dụng cần lưu ý những điểm sau để tránh nguy cơ bị điện giật:

Không nên bật bình nóng lạnh liên tục: Việc bật bình nóng lạnh liên tục ở nhiệt độ cao cả ngày sẽ làm cho quá trình lão hóa các linh kiện và bộ phận nhanh hơn, tuổi thọ của bình giảm xuống, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bị hỏng hóc và rò điện. Việc tắt bình nóng lạnh khi sử dụng cũng góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng và điện năng. Ngắt điện bình nóng lạnh trước khi tắm cũng là một biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối không bị điện giật.

Bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ: Như đã nêu ở trên, bình nóng lạnh sau một thời gian dài sử dụng sẽ có cặn bẩn bám ở bên trong, một phần gây mất vệ sinh, một phần làm ảnh hưởng đến các linh kiện trong bình nóng lạnh như thanh đốt, ngoài ra sau thời gian sử dụng lâu dài có thể làm lão hóa các bộ phận cách điện như gioăng cao su hay lớp cách điện của thanh đốt.

Chính vì vậy mà sau một thời gian sử dụng nên bảo dưỡng định kỳ bình nóng lạnh. Thời gian bảo dưỡng định kỳ phụ thuộc vào tần suất sử dụng và chất lượng của nguồn nước.

Thông thường theo khuyến cáo thì thời gian bảo dưỡng định kỳ là 1 – 2 năm, với chất lượng nguồn nước tốt và tần suất sử dụng không nhiều thì có thể định kỳ 3 năm, tuy nhiên nếu chất lượng nước không tốt và sử dụng liên tục thì thậm chí nên bảo dưỡng định kỳ 6 tháng/lần.

Nên thường xuyên kiểm tra bộ phận chống giật: Bộ phận chống giật đóng vai trò quan trọng để ngăn sự cố điện giật nếu chẳng may bình nóng lạnh bị rò điện. Để kiểm tra bộ phận này còn hoạt động tốt không thì chỉ cần nhấn vào nút kiểm tra (test) trên bộ phận này, nếu thiết bị tự ngắt thì nghĩa là vẫn còn hoạt động tốt, còn nếu thiết bị không tự ngắt được thì cần phải được thay thế ngay.

Không nên sử dụng bình nóng lạnh quá cũ: Thông thường, bình nóng lạnh có tuổi thọ khoảng 10 năm, với những bình cao cấp có thể đến 15 năm. Tuy nhiên thực tế sử dụng tuổi thọ của thiết bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả chất lượng nguồn nước, do vậy thực tế bình nóng lạnh có thời gian sử dụng an toàn thấp hơn vào khoảng 7 – 8 năm. Nếu người sử dụng đang dùng bình nóng lạnh đã gần đến 10 năm thì nên thay bình càng sớm càng tốt.

Khi phát hiện ra các sự cố bình nóng lạnh cần phải ngắt điện bình nóng lạnh ngay, đồng thời gọi thợ chuyên nghiệp đến để kiểm tra, sửa chữa và khắc phục các sự cố thay vì tự sửa chữa.