Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn đối với bé gái 13 tuổi sinh con. Ảnh minh họa

Bé gái 13 tuổi sinh con, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa tiếp nhận và đỡ đẻ cho thai phụ mới 13 tuổi. Thai phụ được chuyển từ tuyến dưới lên và đã sinh thường, em bé nặng 2,9 kg.

Thông tin với báo chí, GS.TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Đây là sản phụ nhỏ tuổi nhất tại bệnh viện. Bác sĩ cho biết bé không thăm khám thai định kỳ, không rõ mang thai từ lúc nào nên không xác định được thai nhi bao nhiêu tuần.

May mắn, sản phụ nhỏ tuổi chuyển dạ thuận lợi, sinh thường bé gái nặng 2,9 kg. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con bình thường và đã ra viện.

Được biết, sau khi "thai phụ nhí" sinh em bé xong, gia đình có ý định cho em bé nếu như người khác có nhu cầu nhận nuôi. Sau đó, các bác sĩ đã động viên và chia sẻ, gia đình đồng ý đưa hai mẹ con về.

Theo chuyên gia sản khoa, việc trẻ sinh con ở độ tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ. Về mặt sinh lý của cơ thể nữ giới dưới 18 tuổi, cơ thể phát triển chưa đầy đủ sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng.

Theo đó, 3 nhóm nguy cơ khi trẻ sinh con ở độ tuổi vị thành niên được các chuyên gia chỉ rõ:

Trẻ đang tuổi ăn, tuổi học, chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng làm mẹ nên khi mang thai, làm mẹ trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Bởi lẽ, với một việc “tày trời” như vậy theo quan niệm của người lớn, trẻ thường giấu bố mẹ. Việc giấu diếm cùng với thiếu kiến thức để tự chăm sóc bản thân dẫn đến trẻ không được chăm sóc sản khoa, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé sau này.

Không loại trừ trường hợp khi mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ, trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, phá thai hoặc nếu sinh con rất dễ bị dị tật thai nhi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đứa trẻ và thậm chí là gánh nặng cho xã hội.

Do cơ thể chưa phát triển đầy đủ, ngoài việc gây khó khăn cho việc sinh nở,trẻ vị thành niên mang thai nguy cơ đẻ non rất dễ xảy ra. Một số tai biến sản khoa có thể xảy ra với trẻ có thể kể tới như: băng huyết, tai biến sản khoa, nhất là những trường hợp tự sinh con, đẻ rơi như một số vụ thời gian qua.

Do trẻ còn nhỏ, chưa sẵn sàng làm mẹ nên kỹ năng chăm con, nuôi con chưa có, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến em bé. Làm mẹ khi còn quá trẻ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm cao sau sinh do phải chịu những lời bàn tán của những người xung quanh.

Nhận biết sớm những dấu hiệu mang thai ở tuổi vị thành niên

Hiện nay, nhiều trẻ chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính cộng với việc cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… dễ khiến trẻ vị thành niên có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao.

Về câu chuyện này, theo các chuyên gia y tế, khi có con bắt đầu tuổi dậy thì, cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn. Dành thời gian trò chuyện với con, hướng dẫn các con cách tự bảo vệ mình không bị lạm dụng hay xâm hại tình dục cũng như trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như giáo dục giới tính thông qua những câu chuyện hoặc sách hướng dẫn.

Việc giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục cho vị thành niên sẽ giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn trong tình yêu, tình dục và tránh được những sai lầm không đáng có.

Về chuyện nhận biết các dấu hiệu mang thai của trẻ vị thành niên, các chuyên gia cho rằng, cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai chưa có sự phát triển hoàn chỉnh vì thế khá khó để nhận biết chính xác việc mang thai trong những tuần đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai vẫn có một số dấu hiệu mang thai sớm để nhận biết.

Theo đó, các dấu hiệu mang thai cũng không khác nhiều với người trưởng thành. Ví dụ: Chậm kinh hoặc mất kinh; buồn nôn và nôn; có thay đổi kích thức ngực, nổi tĩnh mạch quanh quầng vú; tiết sữa non từ tuần thứ 16 của thai kỳ; nhiệt độ cơ thể tăng cao. Bên cạnh đó là làn da của trẻ không còn sáng mà có thể xuất hiện các đốm nám, sẫm màu…