Theo thông tin từ Dân Trí, ngày 26/1, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù mắt, nghe có co thắt vùng khí quản, thở rít.

Người nhà bệnh nhi cho biết, em bé xuất hiện các triệu chứng trên sau vài phút uống nước ngọt có ga.

Ảnh minh họa: Internet

Ngay khi có các biểu hiện trên, bệnh nhi được đưa đến trạm y tế dùng thuốc nhưng không đỡ, trẻ ngày càng khó thở nhiều và được gia đình chuyển ngay Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, dùng thuốc Adrenalin. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục điều trị.

Các bác sĩ cảnh báo, dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Liên quan đếwn vụ việc trên, theo nguồn tin từ Tuổi Trẻ, BS Nguyễn Thành Úc cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể chết người, nó xảy ra đột ngột trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nọc độc, những thực phẩm hằng ngày không phù hợp với cơ thể của mỗi người.

Theo các nhà khoa học, trong nước ngọt có gas có hai chất chính có thể gây sốc phản vệ là chất tạo ngọt và chất bảo quản. Chất tạo ngọt gồm đường sucrose, fructose. Chất bảo quản là sulfite.

Đường sucrose, fructose có thể gây sốc phản vệ, dù tỉ lệ này rất nhỏ, thường gặp ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng như bệnh suyễn, mề đay, viêm mũi dị ứng.

Ảnh minh họa: Internet

Những cách phòng tránh bị sốc phản vệ hiệu quả

Vì do nhiều nguyên nhân gây ra như phản ứng của thuốc, thức ăn đưa vào cơ thể, nọc độc của côn trùng…do đó việc phòng ngừa chứng bệnh này cần được trang bị kiến thức kỹ càng và chu đáo nhất.

Sốc phản vệ có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn một vài giờ khi có tác nhân gây ra, nhưng quá trình của nó diễn ra chỉ trong vòng 1 – 2 phút là chuyển qua giai đoạn nguy hiểm. Do đó, để tránh bị sốc phản vệ bạn cần lưu ý những điều sau:

- Nếu có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi được chỉ định dùng thuốc. Bởi những người nhạy cảm rất dễ bị dị ứng nếu không được kê đơn chính xác.

- Khi đang tiêm thuốc, nếu có cảm giác lạ như bồn chồn, sợ hãi hoặc tê lưỡi hãy thông báo ngay với bac sĩ để ngừng tiêm và xử lý kịp thời.

- Sau khi tiêm thuốc xong nên nán lại phòng tiêm trong vòng 15 – 30 phút, không nên ra về ngay, đề phòng sốc phản vệ có thể xảy ra.

- Nên sử dụng đúng thuốc, thuốc được bác sĩ chỉ định và có nguồn gốc rõ ràng.

- Khi dùng đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể. Nếu sau 24 giờ, cơ thể không có phản ứng gì bất thường thì bạn có thể dùng tiếp. Còn ngược lại, hãy dừng ngay và gặp bác sĩ để được giải quyết kịp thời.

- Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp của bác sĩ, cần thực hiện các thao tác sau:

+ Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu.

+ Cần nới lỏng quần áo và đắp mền cho người bệnh.

+ Nếu người bệnh bị nôn hoặc có dấu hiệu chảy máu từ miệng, hãy cho người bệnh nằm ở tư thế nghiêng, đề phòng sặc.

+ Cần trò chuyện với người bệnh để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào tình trạng hôn mê.

+ Nếu bệnh nhân ngưng thở cần hồi sức tim, phổi bằng cách ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân (kiểu hô hấp nhân tạo).

+ Kiểm tra nguyên nhân gây ra tình trạng sốc phản vệ.

+ Dù tình trạng nặng hay nhẹ cần dùng ngay adrenalin cho người bệnh. Bạn cần cho người bệnh dùng càng sớm càng tốt, lưu ý là đủ liều lượng.

+ Cấp cứu bệnh nhân cần được thực hiện ở cơ sở có đầy đủ bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Do đó khi gặp tình trạng này, hãy đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.