Theo thông tin từ VTV, sản phụ H.T.D. (trú tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) sinh con đầu tại nhà. Sau sinh, sản phụ chảy nhiều máu, kèm theo sốt, mệt nhiều, đau đầu, buồn nôn, nôn.

Sản phụ được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa điều trị và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên điều trị tiếp.

Ngay khi tiếp nhận, sản phụ đã rơi vào tình trạng sốc, huyết áp: 80/40mmHg, SpO2: 90%, có dịch máu âm đạo, tiên lượng rất nặng.

Qua đánh giá ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ sốc nhiễm khuẩn hậu sản, chỉ định hồi sức tích cực khẩn cấp kết hợp nhiều phương pháp thở máy, lọc máu, an thần, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch.

Sau hội chẩn cùng Khoa Phụ sản và phát hiện có vết mò đốt bên ngực trái, sản phụ được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn Ricketsia (sốt mò)/hậu sản thường đẻ tại nhà.

Bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Sản phụ vào viện trong tình trạng sốc nặng, suy tim, gan, phổi đều bị tổn thương, hậu sản đẻ thường tại nhà, nhiễm trùng tử cung. Lúc đầu, các bác sĩ chỉ nghĩ sốc do nhiễm khuẩn hậu sản đẻ thường tại nhà, nhưng khi thăm khám có vết mò đốt ở ngực trái, các kết quả xét nghiệm và hội chẩn đa chuyên khoa thì xác định được nguyên nhân là sốt mò, tử cung bị nhiễm trùng.

Qua 19 ngày hồi sức tích cực, sản phụ đã thoát nguy kịch, các chức năng gan, thận, tim, phổi hồi phục trở về bình thường.

Qua 19 ngày hồi sức tích cực, sản phụ đã thoát nguy kịch, các chức năng gan, thận, tim, phổi hồi phục trở về bình thường - Ảnh: VTV

Trước đó, cũng từng có trường hợp sản phụ nguy kịch sau sinh son tại nhà. Cụ thể, dẫn tin từ VnExpress, thai phụ 33 tuổi mang thai lần 3, sinh con tại nhà, xuất huyết tử cung không thể cầm máu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Hai lần mang thai trước, người phụ nữ đều đẻ tại nhà. Lần này, khi không thể cầm máu sau sinh, sản phụ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, hôm 2/11.

Lúc vào viện, bệnh nhân da xanh, mạch không bắt được, huyết áp về không, tim nghe rời rạc, âm đạo có nhiều huyết, bánh rau bong một phần, cài răng lược. Bệnh viện báo động đỏ, chuyển thẳng người bệnh đến phòng mổ. Các bác sĩ vừa cấp cứu, vừa phẫu thuật cắt tử cung bán phần để cứu sống người bệnh.

Trong phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị khối hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương. Hiện sản phụ qua cơn nguy kịch.

Tự sinh con tại nhà gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thai phụ - Ảnh: VnExpress

Rau cài răng lược là tình trạng bánh rau xâm lấn vào thành tử cung, không thể tách rời khỏi thành tử cung sau khi sinh, gây băng huyết, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong cho người mẹ.

Do vậy, để phát hiện sớm rau cài răng lược, hạn chế biến chứng, chị em cần được quản lý thai kỳ, siêu âm bởi các bác sĩ sản khoa tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không tự sinh con tại nhà, nên thực hiện việc này ở các cơ sở y tế, để đảm bảo an toàn, tránh tai biến đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.