Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận không ít bệnh nhân ung thư chuyển biến nặng sau 1 thời gian tự điều trị bằng thuốc nam hoặc các phương pháp truyền miệng không được khoa học công nhận. 

Bệnh ung thư nhẹ không điều trị, nặng lên lại nhập viện

Gần nhân là ông N.H. L, 70 tuổi, được chẩn đoán ung thư thanh quản từ năm 2021. Tại thời điểm này, người bệnh chỉ ở giai đoạn sớm T2 N0 M0 (giai đoạn 2) hoàn toàn có thể phẫu thuật và điều trị khỏi lâu dài. 

Dù được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị nhưng người bệnh đã từ chối để xin về dùng thuốc nam.

Sau gần 2 năm tự điều trị bằng thuốc nam, tình trạng bệnh không những không giảm mà còn tiến triển nặng hơn.

Tháng 2/2023, người bệnh xuất hiện ho, khạc ra máu kèm khàn tiếng, khó thở. Khi khám, người bệnh có tình trạng thiếu máu, đái tháo đường, gout. Kết quả chụp CTscaner cho thấy: Hình ảnh u tăng kích thước (26 x 41mm), gây hẹp 2/3 lòng thanh quản, hạch cổ nhỏ ngấm thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên đang thăm khám cho người bệnh ung thư điều trị tại khoa Xạ Trị thuộc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện đa khoa Phú Thọ). Ảnh BVCC

Tại thời điểm đó, người bệnh được chẩn đoán ung thư thanh quản hạ họng giai đoạn 4 (T4N1M0)/thiếu máu, đái tháo đường, gout.

Người bệnh được điều trị truyền máu ổn định đường huyết, nâng cao thể trạng. Sau đó được lập kế hoạch điều trị xạ trị đơn thuần do thể trạng bệnh nhân suy kiệt, nhiều bệnh nền. Liều xạ trị 70Gy/35 buổi. Trong quá trình điều trị, người bệnh ổn định dần lên.

Sau 6 tháng điều trị, người bệnh đáp ứng khoảng 90%, vùng xâm lấn khối u đã giảm. Người bệnh đỡ khản tiếng, không còn khó thở, không còn khạc ra máu, toàn trạng tốt dần lên.

Bỏ điều trị ung thư để lại hậu quả đáng tiếc

Theo các bác sĩ, việc người bệnh tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc, vừa không chữa được bệnh, vừa tốn kém chi phí, lại vừa khiến bệnh nặng thêm.

Thời gian qua có rất nhiều thông tin lan truyền trên các hội, nhóm mạng xã hội về việc điều trị ung thư bằng thuốc nam, thuốc bắc. Tuy nhiên, đây là các thông tin sai lệch. 

Hiện tại chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh các loại thuốc nam, thuốc bắc có hiệu quả trong việc điều trị ung thư.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, khoa Xạ trị – Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện đa khoa Phú Thọ) cho biết: “Hiện nay, một số người bệnh khi sử dụng thuốc đông y, thuốc  nam, thuốc bắc, thuốc “dân gian” cảm thấy sức khỏe tốt lên, đó là do tâm lý. Khi bệnh nhân có niềm tin, yên tâm chữa bệnh thì sức khỏe cũng sẽ được cải thiện. 

Mặt khác, trong một số loại thuốc đông y có những vị thuốc chống viêm, giảm đau, tăng cường miễn dịch, bồi bổ khí huyết. 

Vì vậy, khi uống vào sức khỏe nền có thể tăng lên khiến người bệnh lầm tưởng là bệnh được chữa trị đúng cách nên đã bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất. Đến khi bệnh tiến triển nặng, các loại thuốc dân gian kể trên không có tác dụng thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn”.

Như trường hợp người bệnh N.H.L, nếu ngay từ đầu được điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì có thể điều trị khỏi lâu dài. Nhưng do người bệnh không điều trị, lại uống thuốc nam nên khiến bệnh âm thầm nặng thêm. Khi phát hiện thì đã muộn.

"Người bệnh phải thật tỉnh táo, không nên sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc. Người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa, các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị sớm, tránh bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị bệnh đạt hiệu quả cao nhất, giúp kéo dài thêm thời gian sống", bác sĩ Kiên khuyến cáo.