Quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi 

Theo báo Giáo Dục, quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng được coi là chiêu quảng cáo "dính phốt" của Masan. 

Trong đó có sản phẩm mì ăn liền như "Mỳ Tiến Vua - Mỳ vì sức khỏe" không phẩm màu độc hại E102 (còn có tên màu tổng hợp Tartranzine 102). Chất này rất độc hại và đã được cấm dùng tại Nhật, Mỹ và một số nước Châu Âu.

Việc quảng cáo “cà phê thật” hay “cà phê chỉ làm từ cà phê” của Vinacafe đã từng bị dư luận “bóc trần” một số thông tin chưa chính xác từ việc sử dụng khái niệm sản phẩm "ngon nhất" cho tới việc sử dụng phụ gia trong hầu hết các sản phẩm.

Trước vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản, Masan dính nhiều vụ tai tiếng khác. Ảnh: Internet

Khi vụ nước tương chứa chất 3-MCPD vượt mức cho phép bùng phát năm 2005 tại Việt Nam, có rất nhiều người trong ngành chế biến thực phẩm nghi ngờ “do Masan gây ra”.

Vì cùng lúc đó hàng loạt sản phẩm nước tương của Masan tuyên bố không có 3-MCPD gây ung thư thì gần 80% số cơ sở sản xuất nước tương đều bị dính nghi vấn chứa chất này.

Quảng cáo "lố"

Thông tin trên báo Kiến Thức, việc quảng cáo không đúng sự thật về thành phần của các loại mì là một trong những "rắc rối" mà Masan từng vướng phải.

Năm 2014, mì khoai tây Omachi (của công ty Masan) khẳng định mì khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mì cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 10g/1kg, tương đương... 1%. 

Như vậy, chỉ với 1% khoai tây, người tiêu dùng đặt câu hỏi, mì Omachi có gì đảm bảo để người tiêu dùng không bị nóng?

Thành phần màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102) trên bao bì mì Tiến Vua (loại cũ). Ảnh: VTC.
 
Trong đoạn quảng cáo sản phẩm mì Tiến Vua bò cải chua của Masan, sợi mì không phẩm màu độc hại E102. Đặc biệt, đoạn quảng cáo còn nhấn mạnh về tác động của chất E102 đến sức khỏe con người.
 
Trong khi sự thật thì mì Tiến Vua (loại cũ) và mỳ Omachi đều chứa E 102 và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E102).

Mỳ Kokomi có sán?

Ngày 11/11/2015, khi ăn mì Kokomi, ông Lê Ngọc Quang (Thanh Hóa) phát hiện một số sinh vật lạ cựa quậy. Sau đó, ông Quang ra cửa hàng tạp hóa mua thêm 3 gói về bóc ra pha thì vẫn phát hiện sinh vật lạ như trên.

Con vật kỳ lạ trong bát mỳ Kokomi. Ảnh: Internet

Trước đó 4 ngày (7/11), chị Lê Thị Liên, trú thôn 11, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia cũng đã phản ánh với báo chí về việc phát hiện sinh vật lạ giống như những con sán sau khi nấu mì cho con trai ăn.

Sinh vật kỳ lạ được cho là ở trong gói mỳ Kokomi. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hoá và báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hoá ngày 16/11/2015 cho thấy, sản phẩm mì Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như công bố, không có vật lạ như thông tin trên.

Nước chấm có chất tạo màu bị cấm
 
Năm 2014, dòng sản phẩm nước chấm của Masan cũng sử dụng chất tạo màu HT155 đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước. 
 
Các sản phẩm của Nam Ngư quảng cáo chiết xuất 100% từ cá ngừ nguyên chất, nhưng trên bao bì của chai nước mắm Nam Ngư, thành phần được ghi gồm: nước, muối, đạm cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất ổn định, màu tổng hợp (HT155)...
 
Trong quảng cáo, Masan tuyệt nhiên bỏ qua chất tổng hợp HT 155.

Quên chia cổ tức

Theo Vnexpress,  năm 2016, Masan dính "phốt" quên chia cổ tức cho cổ đông.

Khoản lợi nhuận chưa phân phối của công ty tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 8.561 tỷ đồng, song lãnh đạo Masan tiếp tục đề xuất không chia cổ tức khiến cổ công ấm ức.