Ngày 2/3, ghi nhận của phóng viên Gia đình và Xã hội, những ngày trước thềm ngày Phụ nữ Việt Nam, các cửa hàng hoa tươi, hoa sáp bắt đầu tiếp nhận những đơn lẵng hoa thiết kế.

Chị Lê Thị Thu (38 tuổi, chủ cửa hàng hoa tại Trung Kính, Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết: "Đến hẹn lại lên, cứ trước thềm ngày Phụ nữ Việt Nam (8/3), cửa hàng lại bắt đầu nhận các đơn hàng đặt thiết kế".

"Mặc dù giá hoa biến động từng ngày và vào ngày 8/3 như những năm trước đó, giá nhận hoa tươi chắc chắn sẽ tăng. Chúng tôi cũng có những mức chiết khấu nhất định nhưng vì giá hoa tăng nên chúng tôi phải thương lượng trước với khách", chị Thu cho hay.

Theo chị Trang, vì giá nhập tốt hơn và thời gian lưu giữ được lâu hơn so với hoa tươi nên chị đã lựa chọn kinh doanh hoa sáp. Thời điểm này, dù chưa chạm ngày 8/3, chị Trang đã bắt đầu nhận đơn hàng theo thiết kế riêng. Ảnh: NVCC

Chị Thu cho biết: "Bắt đầu từ ngày 6/3 trở đi, cửa hàng 3 người sẽ không đủ người làm vì đơn hàng đặt rất nhiều. Do đặc thù là hoa tươi, không thể để được lâu nên ngày nào tôi nhập ngày đó".

Trái ngược với chị Thu, chị Nguyễn Thu Trang (28 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) có thể nhập hoa từ trước ngày 8/3 nhiều ngày để được giá tốt.

Chị Trang cho biết: "Ở khu vực ngoại thành, lượng hàng tiêu thụ không thể nhiều bằng những  cửa hàng hoa ở nội thành. Hơn nữa, giá cả cũng không thể lấy đắt nên tôi đã lựa chọn hoa sáp để thiết kế lẵng hoa theo yêu cầu".

Theo chị Trang, hoa sáp có ưu điểm là không có thời gian tàn. Người dùng có thể sử dụng mãi mãi, hơn nữa, giá nhập hoa sáp cao hơn hoa trồng nội địa, dao động từ 3.000 – 10.000 đồng/bông.

Do đó, dù chưa chạm ngày Phụ nữ Việt Nam, cửa hàng hoa của chị Trang đã tràn ngập hoa sáp.

Cũng theo chị Trang, thời điểm này, chị đã nhận được 15 đơn hàng hoa lãng thiết kế theo yêu cầu.

"Trong 15 đơn hàng thì có 3 đơn hàng thiết kế chữ 'mẹ' trên lẵng hoa. Tôi sử dụng hoa hồng sáp màu đỏ làm nền, thiết kế chữ 'mẹ' bằng hoa hồng trắng ở giữa bó hoa để tạo nên điểm nhấn. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tôi thay đổi màu hoa cho phù hợp", chị Trang cho hay.

Theo chị Trang, giá mỗi lẵng hoa sẽ phụ thuộc vào tiền nhập hoa cộng với công thiết kế. Với một bó hoa hồng đỏ thiết kế có chữ theo yêu cầu, phải sử dụng từ 100 đến 130 bông hoa. Giá thành khoảng 900.000 đồng/bó.

Tuy nhiên, với khách hàng đặt hàng thời điểm này, chị Trang chỉ thu 700.000 đồng/bó. 

"Ở nội thành, một bó hoa thiết kế theo yêu cầu với hơn 100 bông hoa, chắc chắn giá sẽ không dưới 1 triệu đồng/bó. Do đó, vì giá tốt hơn thời điểm chính ngày Phụ nữ Việt Nam nên nhiều khách hàng quen thuộc của tôi đã bắt đầu liên hệ và đặt thiết kế riêng", chị Trang cho hay.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tháng 2/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Thành phố đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% và tăng 19,8%, doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 21,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% và tăng 56,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% và tăng 8,8%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 138,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 89,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng mức và tăng 12,6%.

Cụ thể: Đá quý, kim loại quý tăng 17,8%; lương thực, thực phẩm tăng 14,3%; ô tô con tăng 12,9%; xăng dầu tăng 11,5%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,4%; hàng may mặc tăng 6,3%; hàng hóa khác tăng 17,8%.

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% và tăng 17,4% (dịch vụ lưu trú tăng 37,3%; dịch vụ ăn uống tăng 15,6%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3% và tăng 49,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 5,3%.