Hiện tại ven biển Đà Nẵng sóng và gió đã mạnh lên thấy rõ. Vùng biển Quảng Ngãi cũng bắt đầu có sóng lớn, những cột sóng cao tầm 4m phủ liên tục vào bờ, kèm theo là mưa đang to dần, gió bắt đầu nổi nhẹ. 

Tại Đắk Lắk, thủy điện Buôn Tua Srah bắt đầu xả điều tiết để cắt lũ cho hạ du.

Người dân ven biển Đà Nẵng đang khẩn trương gia cố nhà cửa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đà Nẵng bắt đầu mưa mù trời, nhiều người còn nấn ná trên bờ biển

Đến trưa nay, Đà Nẵng bắt đầu có mưa to và gió. Tại khu vực ven biển, mưa mù trời nhưng vẫn còn nhiều người thả lưới bên bờ. Tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, một số hộ dân có nhà cửa không kiên cố đã đi dời đến các nhà sinh hoạt cộng đồng. 

Anh Chí Trung, bí thư chi bộ khu phố Lộc Phước (phường Thọ Quang) cho biết có hơn 110 người dân đăng ký trú lại nhà sinh hoạt này trong đêm nay. Trưa nay đã có một số người lớn tuổi và trẻ em đến đây sơ tán.

Gió lớn đã xuất hiện khu vực ven biển Đà Nẵng lúc 12h45 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Lúc 12h45, vẫn còn nhiều người dân ven biển chưa thu tay lưới lên bờ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Quảng Nam mưa lớn dần, người dân không được ra khỏi nhà từ 18h hôm nay

Tại vùng biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) mưa bắt đầu lớn dần, song vỗ mạnh, gió cũng bắt đầu thổi mạnh. Đường sá vắng ngắt, những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ đóng kín do người dân đã đi sơ tán.

Tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, để người dân xã đảo có thể đến được khu vực an toàn trước bão, lực lượng chức năng đã huy động phà công suất lớn, xe chuyên dụng đưa đón người dân.

Trưa cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đến kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền và công tác sơ tán dân tránh bão tại một số địa phương ở huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, yêu cầu tổng kiểm tra tàu thuyền, lồng bè, không để người dân ở lại phương tiện khi bão đổ bộ...

Hàng bao cát được dựng lên trước khách sạn ven biển ở Hội An để chắn sóng - Ảnh: T.B.D.

Trước đó, tỉnh đã có công văn yêu cầu ngành giáo dục thông báo cho học sinh các cấp trên toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học ngày 28-9 để phòng, tránh bão, sau đó tùy theo diễn biến tình hình thực tế tại địa phương, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động quyết định việc tiếp tục cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học hoặc đi học trở lại, đối với cấp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định phù hợp.

Ngoài ra yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27-9 đến hết ngày 28-9, trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai. 

Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động... được nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27-9 đến hết ngày 28-9.

Tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới.

Theo bản tin Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ đêm 27-9 đến ngày 29-9, các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến trên báo động 3.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang… Nguy cơ cao xảy ra ngập úng những vùng trũng thấp, ven sông suối, ngập úng cục bộ tại TP Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, thị trấn Nam Phước, Thăng Bình.

Mưa ở Quảng Nam bắt đầu nặng hạt - Ảnh: LÊ TRUNG

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Hội An lúc 12h50 cho thấy toàn thành phố đã vắng lặng. Các cơ quan công sở đóng cửa, người dân đã về nhà lo chống bão. Ở khu vực biển, vẫn còn một số người dân nán lại để gia cố nhà hàng, công trình sát biển. Bờ biển Hội An đã bắt đầu nổi sóng kèm theo gió.

 

Từ 11h, sóng ven biển bắt đầu lớn dần - Ảnh: LÊ TRUNG

Ven biển Huế mưa xối xả, toàn tỉnh cấm người dân ra đường từ 21h

Tại khu vực ven biển Thừa Thiên Huế, trưa 27-9 bắt đầu ghi nhận mưa xối xả kèm gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão Noru (bão số 4). Sóng biển ở khu vực này cũng dâng cao. Hiện nay toàn tỉnh vẫn đang tổ chức di dân đến nơi an toàn trước 12h trưa.

Tại khu neo đậu tránh bão ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), hơn 100 chiếc tàu đánh cá đã cập cảng neo đậu an toàn. Lực lượng chức năng đã tổ chức vận động bà con ngư dân không ở trên tàu từ sáng nay đến khi bão tan.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cấm người dân ra đường từ 21h tối nay 27-9.

Ảnh: NHẬT LINH

Đắk Lắk bắt đầu mưa lớn, các thủy điện xả tràn

Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bắt đầu mưa lớn, trời âm u, sương mù dày đặc. Công tác phòng chống bão cũng đã được tỉnh triển khai đến các địa phương.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ chiều tối ngày 27 đến sáng ngày 29-9, có nơi mưa rất to. Để đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa và vùng hạ du, Chi nhánh thủy lợi huyện Ea Súp sẽ tiếp tục điều tiết nước qua tràn hồ Ea Súp thượng và hồ Ea Súp hạ với lưu lượng dự kiến 80 m3/s - 350 m3/s.

Thủy điện Buôn Tua Srah, Đắk Lắk bắt đầu xả điều tiết để cắt lũ cho hạ du - Ảnh: TÂM AN

Lãnh đạo Công ty thủy điện Buôn Kuốp, vận hành 3 nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, cho biết đơn vị cũng đã chuẩn bị phương án xả tràn, tránh lũ.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt; chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm; các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo vệ người dân, công trình trọng điểm, xung yếu...

Quảng Ngãi có nơi sóng cao 4m

Vùng biển Quảng Ngãi bắt đầu có sóng lớn, những cột sóng cao tầm 4m phủ liên tục vào bờ, kèm theo là mưa đang to dần, gió bắt đầu nổi nhẹ.

 

Ảnh: TRẦN MAI