Ê-kíp cấp cứu của Bệnh viện 175 nhanh chóng đưa người bệnh từ trực thăng đến khoa Cấp cứu. Ảnh: Trần Chính.

Theo thông tin từ Bệnh viện Quân Y 175, bệnh nhân Đ.V.T., 24 tuổi, công tác trên đảo Đá Lớn, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) bị ngã từ độ cao 7 m xuống đất. Anh T. bị gãy xương đùi 3 đoạn phức tạp, được sơ cứu và chuyển đến bệnh xá Đảo Nam Yết.

Các y bác sĩ tại bệnh xá lập tức xử trí cấp cứu, tiến hành hội chẩn Telemedicine với các chuyên gia Bệnh viện Quân Y 175. Các bác sĩ xác định tình trạng bệnh nhân có nguy cơ bị sốc mất máu, hội chứng chèn ép khoang nên được chỉ định về đất liền điều trị.

Cùng lúc đó, bệnh nhân T.V.H., 48 tuổi, nhập Bệnh xá đảo Trường Sa ngày 27/7 trong tình trạng đau hố thắt lưng trái, được chẩn đoán tổn thương thận cấp.

Dù được điều trị tích cực, tình trạng ông H. cải thiện ít, chức năng thận giảm, nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, rối loạn điện giải, rối loạn nhịp… Hội chẩn Telemedicine lần 2 với các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 175 và đánh giá liên tục lâm sàng, xét nghiệm, bệnh nhân có chỉ định được vận chuyển về đất liền.

Trong quá trình dùng trực thăng để đưa bệnh nhân từ huyện đảo Trường Sa về đất liền luôn có bác sĩ túc trực. Ảnh: Trần Chính.
 

Nhận lệnh từ Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 18 đã điều động trực thăng EC 225 số hiệu VN-8619 chở Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân Y 175 xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất ra huyện đảo Trường Sa để đưa 2 bệnh nhân nặng về đất liền để điều trị.

Đến khoảng gần 9h ngày 31/7, Tổ cấp cứu đường không đã lần lượt tiếp cận được bệnh nhân, xử trí cấp cứu ổn định và vận chuyển về đất liền.

Thượng úy Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng kíp Cấp cứu đường không, cho biết dự kiến ban đầu, ê-kíp sẽ đưa bệnh nhân T.V.H. ở đảo Trường Sa đi cùng qua đảo Nam Yết đón bệnh nhân Đ.V.T., sau đó có thể đưa cả 2 bệnh nhân cùng bay về bệnh viện.

Tuy nhiên, sau khi tiếp cận bệnh nhân ở Đảo Nam Yết thì thời tiết không thuận lợi, ê-kíp cùng tổ bay quay ngược trở lại Đảo Trường Sa lớn tiếp nhiên liệu để bay về. Đồng thời, quá trình vận chuyển bệnh nhân ở 2 đảo khá xa nhau, ê-kíp phải đảm bảo trang thiết bị vận chuyển bệnh nhân cũng như theo dõi bệnh nhân một cách liên tục.

Trong khi đó, bệnh nhân T.V.H. cần ưu tiên về theo dõi rối loạn điện giải, còn bệnh nhân D.V.T. phải đảm bảo bệnh nhân cố định, tránh tổn thương thứ phát do vấn đề gãy xương gây ra, dự phòng bệnh nhân có trường hợp sốc mất máu tổn thương.

Sau khi được đưa về đất liền, 2 người bệnh được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân Y 175 để tiếp tục kiểm tra các tổn thương, tiến hành hội chẩn và đưa ra hướng điều trị phù hợp tiếp theo.

Tin liên quan